Đường cao tốc Bắc – Nam (Việt Nam)
Template:Công trình đang xây dựng
Đường cao tốc Bắc – Nam (ký hiệu toàn tuyến là CT.01[1]) là tên gọi thông dụng nhất của một tuyến đường cao tốc Việt Nam nằm rất gần với Quốc lộ 1A huyết mạch, thông suốt giữa 2 miền Nam và Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, khác với Quốc lộ 1A nối dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Đường cao tốc Bắc – Nam chỉ nối từ Hà Nội tới Cần Thơ.
Dự án đường ôtô cao tốc Bắc – Nam có tổng chiều dài 1.811 km, với điểm đầu là nút giao Pháp Vân (Hà Nội) điểm cuối là nút giao Chà Và (Cần Thơ). Các điểm khống chế của tuyến đường bộ cao tốc cũng đã được xác định, nằm trong Hành lang giao thông phía Đông, chạy gần như song song với quốc lộ 1A hiện tại cũng đang được nâng cấp mở rộng. Đường ôtô cao tốc Bắc – Nam được xây dựng bao gồm 16 đoạn tuyến với các điểm nút là: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Nha Trang, Phan Thiết, Dầu Giây, Long Thành, Bến Lức, Trung Lương và Mỹ Thuận Cần Thơ. [[Tập tin:Cao toc Cau Gie Ninh Binh.JPG|nhỏ|400px|phải|Đường cao tốc Bắc-Nam, đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình]]
Contents
- 1 Thông tin xây dựng
- 2 Các tuyến khi xây dựng
- 2.1 Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ
- 2.2 Đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình
- 2.3 Đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa
- 2.4 Đường cao tốc Thanh Hóa – Hà Tĩnh
- 2.5 Đường cao tốc Hà Tĩnh – Quảng Bình
- 2.6 Đường cao tốc Quảng Bình – Quảng Trị
- 2.7 Đường cao tốc Quảng Trị – Đà Nẵng
- 2.8 Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
- 2.9 Đường cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định
- 2.10 Đường cao tốc Bình Định – Nha Trang
- 2.11 Đường cao tốc Nha Trang – Phan Thiết
- 2.12 Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây
- 2.13 Đường cao tốc Dầu Giây – Long Thành
- 2.14 Đường cao tốc Long Thành - Bến Lức
- 2.15 Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương
- 2.16 Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ
- 3 Các chỉ tiêu kinh tế
- 4 Chú thích
Thông tin xây dựng
Theo Quy hoạch chi tiết toàn tuyến CT.01, có các đoạn tuyến được đầu tư xây dựng đến năm 2015 là:
- TP Hồ Chí Minh - Trung Lương: đã thông xe vào năm 2010
- Cầu Giẽ - Ninh Bình: đã thông xe vào năm 2012
- Long Thành - Dầu Giây: đã thông xe vào năm 2015
- Đà Nẵng - Quảng Ngãi: đã thông xe vào năm 2018
- Long Thành - Bến Lức: sẽ thông xe vào năm 2020
- Trung Lương - Cần Thơ: sẽ thông xe vào năm 2020
Tổng chiều dài 222 km, tổng mức đầu tư khoảng 53.135 tỷ đồng.
Từ năm 2016 - 2020 đầu tư các đoạn:
- Ninh Bình - Thanh Hoá: sẽ thông xe vào năm 2021
- Thanh Hoá - Hà Tĩnh: sẽ thông xe vào năm 2021
- Quảng Ngãi - Bình Định: sẽ thông xe vào năm 2021
- Phan Thiết - Dầu Giây: sẽ thông xe vào năm 2021
Tổng chiều dài 1.082 km, tổng mức đầu tư khoảng 185.046 tỷ đồng.
Giai đoạn sau năm 2020 đầu tư các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Bình, Quảng Bình - Quảng Trị, Quảng Trị - Đà Nẵng, Bình Định - Nha Trang, Nha Trang - Phan Thiết. Tổng số 507 km, tổng mức đầu tư 312.862 tỷ đồng.
Các tuyến khi xây dựng
Đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ
Template:Chính Đường Pháp Vân – Cầu Giẽ thuộc địa phận Hà Nội, dài 30 km, theo hướng tuyến đã được xây dựng, quy mô 4 làn xe, tiêu chuẩn đường cấp 1 đồng bằng. Công trình thông xe vào năm 2002
Đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình
Template:Chính Đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình là tuyến cao tốc dài 54 km, nằm trong chương trình phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam, là tuyến cao tốc nối hai đầu mối giao thông Hà Nội và Ninh Bình thuộc tuyến đường cao tốc Bắc Nam. Tuyến đường này có điểm đầu nối tiếp với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (tại Phú Xuyên), đi qua địa bàn các xã, phường: Bạch Thượng, Yên Bắc, Tiên Nội, Tiên Ngoại (huyện Duy Tiên), Tiên Hiệp, Tiên Hải, Liêm Tuyền, Liêm Chính, Liêm Chung, Liêm Tiết (thành phố Phủ Lý), Liêm Cần, Liêm Thuận, Liêm Túc, Liêm Sơn (huyện Thanh Liêm) của tỉnh Hà Nam; các xã Yên Trung, Yên Nghĩa, Yên Chính, Yên Khánh, Yên Phong, Yên Hồng (huyện Ý Yên) của tỉnh Nam Định và điểm cuối gần thành phố Ninh Bình, nơi khởi đầu của đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa.
Theo Quyết định, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua địa phận các tỉnh Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình với chiều dài toàn tuyến là 56 km; điểm đầu là Km 210 trên Quốc lộ 1A, thuộc Hà Nội; điểm cuối là Km 265 + 600 trên Quốc lộ 10, đoạn nối Ninh Bình - Phát Diệm. Tuyến đường dài 56 km, mặt cắt ngang cho 6 làn xe, tốc độ xe chạy thiết kế từ 100 đến 120 km/h. Ngoài bề rộng mặt đường 22 m, đường có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn và lề đường trồng cỏ.[2]
Sau khi hoàn thành, trên tuyến cao tốc này sẽ có 14 cầu vượt sông, vượt nút giao và 8 nút giao khác mức với hệ thống giao thông hiện tại. Ngoài ra, dự án còn xây dựng các hệ thống đường gom, cống chui dân sinh, hệ thống kiểm soát giao thông...
Tuyến cao tốc này có tổng vốn đầu tư là 8.974 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường Cao Tốc Việt Nam (VEC CORPORATION) - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là 1.000 tỷ đồng, còn lại là vốn phát hành trái phiếu công trình và các nguồn vốn khác. Công trình được thông xe vào năm 2012.
Đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn
[[Tập tin:Cau Nam Binh 11.JPG|nhỏ|phải|300px|cầu Nam Bình trên đường cao tốc Bắc Nam nhìn từ cảng Ninh Phúc - thành phố Ninh Bình]] Thực tế điểm cuối của đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình nằm trên quốc lộ 10, tại nút giao Cao Bồ (Nam Định) ở Km 260, chưa tới địa phận tỉnh Ninh Bình. Đoạn từ Cao Bồ qua thành phố Ninh Bình tới địa phận xã Mai Sơn (Yên Mô) đã được tách ra thành dự án đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A do tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư.
Như vậy, Thực chất điểm cuối của đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và điểm đầu của đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa được nối với nhau bằng tuyến đường nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với quốc lộ 1A do tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư với 2 điểm đầu cuối là Cao Bồ và Mai Sơn. Hướng tuyến này đi theo phía đông Quốc lộ 1A, phía tây đường sắt cao tốc Bắc - Nam tương lai, qua các điểm khống chế: Nút giao Cao Bồ, tuyến đi về phía đông xã Yên Bằng, song song với hệ thống đê Cẩm, vượt sông Đáy tại khu vực khu công nghiệp Ninh Phúc, đi trùng với hành lang dành cho đường cao tốc của quy hoạch Khu công nghiệp Ninh Phúc - khu đô thị Tam Điệp.
Giai đoạn I của dự án đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình với Quốc lộ 1A được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 63/QĐ-BGTVT ngày 9-1-2012 với tổng chiều dài 6,05 km, từ nút giao thông Cao Bồ (ý Yên - Nam Định) đến nút giao với Quốc lộ 10 xã Khánh Hòa (Yên Khánh-Ninh Bình). Tổng mức đầu tư ban đầu 1.511,466 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Công ty cổ phần xây dựng cầu 75 thi công. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 7-2012 và chính thức thông xe ngày 30 tháng 6 năm 2015.[3]
Giai đoạn II của Dự án đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình với Quốc lộ 1A được Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 4142/QĐ-BGTVT ngày 31-10-2014 với tổng chiều dài của toàn tuyến khoảng 11 km, có điểm đầu nút giao với Quốc lộ 10 (xã Khánh Hòa-Yên Khánh) và điểm cuối là nút giao với Quốc lộ 1A (xã Mai Sơn-Yên Mô). Tổng mức đầu tư của giai đoạn II là 2.374,604 tỷ đồng và dự kiến từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa
Template:Chính Đường cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa là tuyến đường cao tốc dài 107,28 km, nối hai đầu mối giao thông Ninh Bình và Thanh Hóa thuộc tuyến đường cao tốc Bắc-Nam, dự án sẽ khởi công vào đầu năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2021.
Dự án có điểm đầu tại Km273+96, quốc lộ 1A và trùng với Km 14 (lý trình dự án đầu tư xây dựng tuyến nối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với quốc lộ 1A) thuộc địa phận xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối tại Km381 +250 tại điểm kết thúc nút giao với đường nối cảng Nghi Sơn, thuộc địa phận xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Trên tuyến có 22 cầu dài 5,5 km, 28 cầu vượt dài 5 km và 2 hầm: Tam Điệp dài 240 m, Thung Thi dài 630m.[4]
Tổng mức đầu tư sơ bộ Dự án khoảng 18.377 tỷ đồng được chia làm 2 hợp phần. Trong đó, Hợp phần 1 đầu tư theo hình thức BOT dài 65,5 km từ Ninh Bình đến Quốc lộ 45, chia làm 2 dự án có tổng mức đầu tư lần lượt là 5.928,8 tỷ đồng và 5.828,28 tỷ đồng; Hợp phần 2 đầu tư bằng vốn Nhà nước đoạn còn lại dài 41 km, cũng được chia làm 2 dự án với tổng mức đầu tư lần lượt là 3.689,8 tỷ đồng và 2.930 tỷ đồng.
Đường cao tốc Thanh Hóa – Hà Tĩnh
Template:Chính Đường cao tốc Thanh Hóa – Hà Tĩnh dài 97 km, bắt đầu từ Nghi Sơn đến điểm cuối giao với Quốc lộ 8A thuộc khu vực xã Đức Thịnh huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, quy mô 4-6 làn xe, dự án sẽ khởi công vào đầu năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào năm 2022.
Tuyến đường cao tốc này có điểm đầu (Km380+705) nút giao Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Điểm cuối (Km 478+917) vị trí nút giao với Quốc lộ 8A thuộc xã Đức Thịnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Tổng chiều dài toàn tuyến 98.2 km. Đây là đường ô tô cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 – 120 km/h. Quy mô mặt cắt ngang quy hoạch là 6 làn xe, giai đoạn 1 xây dựng với quy mô 4 làn xe với phương án phân kỳ là xây dựng 4 làn xe bên ngoài cùng với dải dừng xe khẩn cấp trên đường cao tốc; dải phân cách giữa và 2 làn xe bên trong sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2.
Tất cả các vị trí đường ngang đều phải tổ chức giao khác mức với đường cao tốc. Trong giai đoạn 1, chỉ xây dựng 2 nút giao liên thông là nút giao Diễn Cát (giao với Quốc lộ 7) và nút giao Hưng Tây (giao Quốc lộ 46 tránh thành phố Vinh). Trên toàn tuyến bố trí 64 vị trí cống chui dân sinh, 9 cầu vượt dân sinh, 16 đường chui dưới cầu.
Trên toàn tuyến có 3 hầm đường bộ: hầm Trường Lâm, hầm Thần Vũ 1, hầm Thần Vũ 2.
Tổng mức đầu tư của toàn dự án với quy mô giai đoạn 1 khoảng 31.405 tỷ đồng; giai đoạn hoàn thiện khoảng 3.138 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư huy động các nguồn vốn hỗn hợp để thực hiện dự án: Nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, vốn của các nhà đầu tư...
Đường cao tốc Hà Tĩnh – Quảng Bình
Template:Chính Đường cao tốc Hà Tĩnh – Quảng Bình dài 145 km, bắt đầu từ điểm giao với Quốc lộ 8A xã Đức Thịnh đến điểm cuối là vị trí nối với đường Hồ Chí Minh tại Km 959 thuộc địa phận huyện Bố Trạch, quy mô đường này chỉ gồm 4 làn xe.
Đây là tuyến đường sẽ xây dựng sau cùng của tuyến đường cao tốc Bắc Nam (Giai đoạn sau năm 2020 đầu tư mở rộng đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, xây dựng đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị, và Quy Nhơn – Nha Trang)
Đường cao tốc Quảng Bình – Quảng Trị
Template:Chính Đường cao tốc Quảng Bình – Quảng Trị dài 117 km, bắt đầu từ Nam cầu Bùng đến Cam Lộ, tương ứng Km 11+922 thuộc tỉnh Quảng Trị, quy mô cũng chỉ với 4 làn xe.
Đây là tuyến đường sẽ xây dựng sau cùng của tuyến đường cao tốc Bắc Nam (Giai đoạn sau năm 2020 đầu tư mở rộng đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, xây dựng đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, và Quy Nhơn – Nha Trang)
Đường cao tốc Quảng Trị – Đà Nẵng
Template:Chính Đường cao tốc Quảng Trị – Đà Nẵng dài 182 km, bắt đầu từ Km 11+922 tỉnh Quảng Trị tuyến có điểm cuối nối vào Km 24+100 Quốc lộ 14B tại khu vực Túy Loan, quy mô 4 làn xe.
Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
Template:Chính Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là cao tốc loại A, tuyến đi qua 3 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, dài 139 km, có điểm đầu giao với quốc lộ 14B và điểm cuối giao với đường vành đai tại phía Tây thành phố Quảng Ngãi, quy mô 4 làn xe, rộng mặt đường 26m, mặt đường bằng bê tông asphalt với tốc độ lưu thông 120 km/h.
Ngày 19/5/2013 khởi công xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Trong đó sẽ chia làm hai giai đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ (Quảng Nam); Tam Kỳ – Quảng Ngãi và hoàn thành sau 4 năm xây dựng.
Để xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ thu hồi vĩnh viễn khoảng 9,6 triệu m2 đất, gần 66,3 nghìn m2 nhà cửa…Trong đó, sẽ bố trí tái định cư cho 3189 hộ với nhu cầu diện tích đất bố trí 635.120m2. Tổng kinh phí cho công tác này là 4395 tỷ đồng.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư (PMU 85 & PMU 1 làm thuê tư vấn quản lý dự án) có chiều dài 139 km với tổng mức đầu tư dự kiến 28.518 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD). Phương án huy động vốn cho dự án này được thực hiện theo cơ chế: Chính phủ đứng ra vay vốn của WB và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để VEC vay lại theo quy định hiện hành.
Đường cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định
Đường cao tốc Quảng Ngãi – Bình Định dài 170 km, bắt đầu từ giao đường vành đai tại phía Tây thành phố Quảng Ngãi đến điểm cuối tuyến là vị trí giao với Quốc lộ 19 tại địa phận thị xã An Nhơn tỉnh Bình Định, quy mô 4 làn xe, dự án sẽ khởi công vào đầu năm 2017 và dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Dự án cao tốc này xây xong, sẽ tạo động lực phát triển kinh tế của vùng
Đường cao tốc Bình Định – Nha Trang
Template:Chính Đường cao tốc Bình Định – Nha Trang dài 215 km, có điểm đầu là vị trí giao với quốc lộ 19 tại thị xã An Nhơn tỉnh Bình Định và điểm cuối tuyến là vị trí giao với đường tỉnh 65-22 tại địa phận xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, quy mô 4 làn xe.
Đây là tuyến đường sẽ xây dựng sau cùng của tuyến đường cao tốc Bắc Nam (Giai đoạn sau năm 2030 đầu tư mở rộng đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, xây dựng đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị, và Quy Nhơn – Nha Trang)
Đường cao tốc Nha Trang – Phan Thiết
Template:Chính Đường cao tốc Nha Trang – Phan Thiết dài 235 km, có điểm đầu tuyến là vị trí giao với đường tỉnh 65-22 địa phận xã Diên Thọ Khánh Hòa và điểm cuối tuyến nằm trên quốc lộ 1A đi Ba Bàu khu vực phía Nam khu đô thị Ngã Hai và khu công nghiệp Hàm Kiệm, tỉnh Bình Thuận, nối với đường cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết.
Đoạn này có tổng chiều dài của toàn tuyến lên đến 235 km quy mô 4-6 làn xe thuộc 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Có giả định chia dự án làm 2 đoạn Phan Thiết - Ninh Thuận và Ninh Thuận - Nha Trang để giảm áp lực về nguồn vốn và quản lý.
Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây
Template:Chính Đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây dài 98 km, có điển đầu là vị trí nằm trên quốc lộ 1A đi Ba Bàu và điểm cuối kết nối với dự án đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây (khoảng km 41+600 theo lý trình đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây), quy mô 4-6 làn xe.
Dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết được Thủ tướng Chính phủ giao cho Tập đoàn Bitexco lập dự án đầu tư theo văn bản 1482/TTg-KTN ngày 9-9-2008. Tuyến đường có điểm đầu dự kiến kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối nằm trên đường quốc lộ 1A đi Ba Bàu, Bình Thuận. Đây là đường cao tốc loại A với vận tốc thiết kế đạt 120 km/giờ, 6 làn xe (rộng 33 mét) và dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2021.[5]
Đường cao tốc Dầu Giây – Long Thành
Template:Bài chi tiết Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây dài 55,7 km, nối quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh với huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Đường cao tốc này hoàn thành và hoạt động toàn tuyến từ ngày 8 tháng 2 năm 2015.
Đường cao tốc Long Thành - Bến Lức
Template:Chính Đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (đây là tên gọi ngược hướng Bắc - Nam, theo trình tự xây dựng) bắt đầu từ nút giao với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An và kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Toàn tuyến đường chạy qua 15 xã thuộc 7 huyện của 3 tỉnh, thành phố Long An - TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn TCVN 5729-97. Căn cứ lưu lượng xe ngày đêm thì Bến Lức - Long Thành là đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120 km/h. Tuyến đường sẽ được xây dựng theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 bao gồm 4 làn xe chạy và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Giai đoạn 2 mở rộng thành 8 làn xe chạy và 2 làn dừng xe khẩn cấp.Trên tuyến có 2 cầu dây văng lớn là Bình Khánh và Phước Khánh (Vượt sông Soài Rạp và Lòng Tàu). Do khó mở rộng cầu trong tương lai từ tim tuyến sang hai bên, nên trong giai đoạn I sẽ xây dựng cầu về một bên của tim tuyến và không có làn dừng xe khẩn cấp để giảm thiểu chi phí xây dựng ban đầu.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương
Template:Bài chi tiết Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương dài 39,8 km, nối Long An với Tiền Giang với quy mô 4 làn xe, đi vào hoạt động từ tháng 2 năm 2010. Giai đoạn 2 mở rộng lên 8 làn xe. Lưu lượng xe rất lớn cần được mở rộng.
Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ
Template:Chính Đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ dài 92 km, có điểm đầu là vị trí nút giao Thân Cửu Nghĩa khớp nối với khu vực cuối của đoạn cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương và điểm cuối là vị trí điểm tiếp nối giữa đường cao tốc Trung Lương – Cần Thơ với cầu Cần Thơ. Hiện đang triển khai rất chậm không đáp ứng nhu cầu phát triển của Nam Bộ.
Các chỉ tiêu kinh tế
- Tổng vốn đầu tư
- Phương án của Chính phủ Việt Nam:
- Theo tính toán của các nhà kinh tế của Việt Nam không tham gia dự án:
- Thời gian hoàn vốn
- Phương án của Chính phủ Việt Nam:
- Theo tính toán của các nhà kinh tế của Việt Nam không tham gia dự án: (Thời gian thu hồi Vốn Đầu tư của Dự án)
Chú thích
- ↑ Dự thảo QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ - Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam (2015)
- ↑ Hơn 5.400 tỉ đồng đầu tư xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
- ↑ Đẩy nhanh tiến độ dự án đường kết nối cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Quốc lộ 1A
- ↑ Đầu tư 18.377 tỷ đồng xây dựng cao tốc Ninh Bình – Thanh Hóa
- ↑ Chuẩn bị lập dự án đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết , TBKTSG, (Cập nhật: 11/06/2009 08:32:08)
Template:Đường cao tốc Bắc - Nam Việt Nam Template:Đường cao tốc và quốc lộ Việt Nam
* Thể loại:Đường bộ Việt Nam Thể loại:Giao thông đường bộ Việt Nam