Ca trù
nhỏ|phải|222px|Một buổi hội diễn ca trù: ca nương ở giữa gõ phách, kép bên tay phải chơi đàn đáy, quan viên bên trái đánh trống chầu Ca trù (Nôm: 歌籌), còn gọi nôm na là Hát cô đầu, Hát ả đào, Hát nhà trò là loại hình diễn xướng bằng âm giai nhạc thính phòng rất thịnh hành tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam[1]. Ca trù thịnh hành từ thế kỷ 15, từng là loại ca trong cung đình và được giới quý tộc và trí thức yêu thích. Ca trù là một sự phối hợp nhuần nhuyễn và đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc.
Ngày 1 tháng 10 năm 2009, ca trù được công nhận là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp[2][3][4]. Đây là Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi tới 16 tỉnh, thành phố ở nửa phía Bắc Việt Nam[5]. Hồ sơ đề cử Ca trù là di sản văn hóa thế giới với không gian văn hóa Ca trù trải dài khắp 16 tỉnh phía Bắc gồm: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Contents
Nguồn gốc
Các chuyên gia nghiên cứu đến nay, đa số đã đồng ý cho rằng Ca trù dưới hình thức ngày nay đã bắt đầu có từ thời nhà Lê (thế kỷ XV) sau khi cây đàn đáy do Đinh Lễ (hay Đinh Dự theo một số Giáo phường) sáng chế ra.[6][5]
Ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như: phú, truyện, ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là hát nói.
Hát nói xuất hiện sớm nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ 19 mới có những tác phẩm lưu truyền đến nay như các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát... Nguồn gốc của thể Hát nói trong văn chương Việt Nam được giải thích bằng những nguyên nhân và các sự việc sau đây[7]:
- Hát nói là sự phàm tục hoá những thể thánh ca.[citation needed] Trước khi có Hát nói, ở Việt Nam đã có những bài hát xoan, hát cửa đền, cửa chùa, những bài thét nhạc. Những thể ca trong các dịp tế lễ đó chuyển dần công dụng và được các tao nhân, mặc khách tổ chức ngay trong những cuộc giải trí riêng của họ. Các bài hát ả đào bắt đầu từ đó.
- Hát nói là sự cụ thể hoá ảnh hưởng của tư tưởng Lão–Trang.[citation needed] Xưa kia, văn chương Việt Nam về nội dung phải gò bó trong những tư tưởng Khổng Mạnh, về hình thức phải đem theo những quy luật khắt khe, những lối diễn tả nhất định. Cuối thế kỷ thứ 18, do hoàn cảnh rối ren trong xã hội, tư tưởng Lão-Trang có cơ hội bành trướng và hát nói chính là sáng tạo của các nhà nho phóng khoáng, thích tự do, ở đấy họ có thể gửi gấm những tư tưởng, cảm xúc vượt ra ngoài khuôn phép với cách diễn đạt cởi mở, rộng rãi hơn.
- Hát nói là biến thể của song thất lục bát. Các nhà viết sách thời xưa cho rằng Hát nói là một hình thức biến đổi của thể ngâm Song thất lục bát: Trong hát nói có Mưỡu là những câu thơ lục bát, nhiều câu 7 chữ có vần bằng, vần trắc, có cước vận, yêu vận. Nhưng khi đã phát triển, Hát nói là một thể tài hỗn hợp gồm: thơ, phú, lục bát, song thất, tứ tự, nói lối,... Trong lối Hát ả đào có nhiều loại như: Dâng hương, Giáo trống, Gủi thư, Thét nhạc thì Hát nói là lối thông dụng và có tính văn chương lý thú nhất.
Thành phần trình diễn
nhỏ|phải|300px|Biểu diễn trong không gian truyền thống Một chầu hát cần có ba thành phần chính:
- Một nữ ca sĩ (gọi là "đào" hay "ca nương") sử dụng bộ phách gõ lấy nhịp,
- Một nhạc công nam giới (gọi là "kép") chơi đàn đáy phụ họa theo tiếng hát
- Người thưởng ngoạn (gọi là "quan viên", thường là tác giả bài hát) đánh trống chầu chấm câu và biểu lộ chỗ đắc ý bằng tiếng trống.
Vì là nghệ thuật âm nhạc thính phòng, không gian trình diễn ca trù có phạm vi tương đối nhỏ. Đào hát ngồi trên chiếu ở giữa. Kép và quan viên ngồi chếch sang hai bên. Khi bài hát được sáng tác và trình diễn ngay tại chỗ thì gọi là "tức tịch," nghĩa là "ngay ở chiếu."
Âm nhạc
Ca trù vừa là loại thanh nhạc (vocal music), vừa là loại khí nhạc (instrumental music). Có một ngôn ngữ âm nhạc tế nhị, tinh vi.
- Thanh nhạc: Ca nương phải có giọng thanh - cao - vang, khi hát phải biết ém hơi, nhả chữ và hát tròn vành rõ chữ, biết nảy hạt (đổ hột), đổ con kiến. Ca nương vừa hát, vừa gõ phách. Phải biết rành 5 khổ phách cơ bản, đánh lưu không, tiếng phách phải chắc và giòn, lời ca và tiếng phách phải ăn khớp với nhau.
- Khí nhạc: Kép đàn dùng đàn đáy phụ họa. Bản đàn không nhất thiết phải đi theo bài hát, vì phải theo khổ đàn, nhưng khổ đàn – khổ phách – tiếng ca hợp nhau, hài hòa nhuần nhuyễn. Có những cách đàn ca chân phương- theo lề lối hay hàng hoa- sáng tạo và bay bướm.
- Quan viên là người cầm chầu, tiếng trống chầu vừa chấm câu khi tham gia vào cuộc diễn tấu, nhưng có tính chất phê phán, khen chê đúng chỗ, để khích lệ ca nương – kép đàn, giúp cho thính giả biết được đoạn nào hay - thật hay và như thế được giáo dục âm nhạc trong cách nghe.
Một số tác phẩm nổi tiếng
Bài bản ca trù có nhiều loại. Phổ thông nhất là hát nói, một thể văn vần có tính cách văn học cao. Những bài hát nói nổi tiếng phải kể đến:
- Cao Bá Quát với "Tự tình", "Hơn nhau một chữ thì", "Phận hồng nhan có mong manh", "Nhân sinh thấm thoắt"...
- Nguyễn Công Trứ với "Ngày tháng thanh nhàn", "Kiếp nhân sinh", "Chơi xuân kẻo hết xuân đi", "Trần ai ai dễ biết ai"...
- Dương Khuê với "Hồng hồng, tuyết tuyết" tức "Gặp đào Hồng đào Tuyết".
- Chu Mạnh Trinh với Hương Sơn phong cảnh.
- Tản Đà với "Gặp xuân","Xuân tình", "Chưa say"
- Nguyễn Khuyến với "Hỏi phỗng đá", "Duyên nợ"
- Nguyễn Thượng Hiền với "Chơi chùa Thầy";
- Trần Tế Xương với "Hát cô đầu"
Ngoài ra còn có những làn điệu cổ điển khác như "Tỳ bà hành" (bản diễn Nôm của Phan Huy Vịnh theo cổ bản của Bạch Cư Dị). Những điệu huê tình, gửi thư, bắc phản, hát giai... cũng thuộc thể ca trù.
Ca trù ngày nay
Sau Cách mạng Tháng 8, ca trù bị xem là "trò chơi hư hỏng, trụy lạc" và bị cấm đoán vì bị xem là liên quan đến mại dâm. Chính quyền cũng gán cho bộ môn ca trù là "phong kiến, trưởng giả".[8]
Mãi đến thập niên 1980 môn ca trù mới được cho phép trình diễn cho công chúng nhưng trong khuôn khổ đề tài chính trị chứ không giữ được thể văn truyền thống. Lần ra mắt đó ca sĩ Quách Thị Hồ hát bài "Những mùa xuân" trên đài phát thanh. Điệu nhạc thì cổ nhưng lời ca mang nội dung ca tụng đảng Cộng sản Việt Nam. Dù đó là đề tài chỉ đạo, đó là lần đầu sau 30 năm bặt tiếng khán thính giả miền Bắc Việt Nam mới nghe được làn điệu ca trù.[8] Đến cuối thập niên 1990 trước cao trào văn nghệ Tây phương nhập vào Việt Nam, chính quyền mới chuyển hướng đề cao ca trù và hát chầu văn, cho đó là di sản văn hóa dân tộc và cho phép tự do trình diễn. Năm 2009 thì chính phủ đề cử ca trù là bộ môn Di sản thế giới UNESCO[9] quay ngược lại chính sách cấm đoán 180°. Ca trù từ đó mới được công nhận để nghiên cứu bảo tồn.
Nghệ thuật ca trù sau đó được khai thác trong nhiều bộ phim cũng như trong các chủ đề âm nhạc Việt Nam. Có thể bắt gặp ca trù trong phim Mê Thảo thời vang bóng hay trong bài hát "Một nét ca trù ngày xuân" của nhạc sĩ Nguyễn Cường...
Liên hoan ca trù toàn quốc lần thứ nhất diễn ra tại Hà Tĩnh (năm 2005).[10]Liên hoan ca trù toàn quốc là hoạt động định kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về công tác bảo vệ di sản văn hóa thế giới trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ca trù.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, năm 2010 có 63 câu lạc bộ ở 15 tỉnh, thành phố trên cả Việt Nam có hoạt động thường xuyên và có kế hoạch luyện tập truyền nghề ca trù.[11] Một số tỉnh thành phía Bắc, điển hình là các tỉnh có nhiều câu lạc bộ ca trù như:
- Hà Nội: Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê, CLB Ca trù Thăng Long, CLB Ca trù thôn Chanh (Phú Xuyên), CLB Ca trù Hà Nội, CLB Ca trù Bích Câu Đạo quán.[12]
- Ninh Bình: Câu lạc bộ Ca trù đền thờ Nguyễn Công Trứ, CLB Ca trù Cố Viên Lầu
- Hà Tĩnh: Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ, CLB Ca trù Cổ Đạm
- Bắc Ninh[13]: CLB Ca trù Thanh Khương (Thuận Thành), CLB Ca trù Tiểu Than (Gia Bình) và CLB Ca trù Đông Tiến (Yên Phong).
Một số nghệ nhân nổi tiếng
- NSND Quách Thị Hồ
- NSND Hà Thị Cầu
- NNƯT Vân Mai
- Nghệ sĩ ưu tú Lê Thị Bạch Vân
- NS Nguyễn Thị Phúc
- Nghệ nhân Nguyễn Thị Thiệp (Bắc Ninh)
- Nghệ nhân Nguyễn Văn Khôi (Hà Nội)
- Nghệ nhân Phạm Thị Mùi (Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội)
- NSUT Phó Thị Kim Đức
- Nguyễn Thị Chúc
- Kép đàn Đinh Khắc Ban
- Kép đàn Nguyễn Phú Đẹ
Hình ảnh
- Tập tin:Ca trù 1.jpg
- Tập tin:Ca trù 2.jpg
- Tập tin:Ca trù 4.jpg
- Tập tin:Tranh vẽ Cô đầu (kỹ nữ) thời Pháp thuộc.jpg
Ba bức tranh vẽ Cô đầu biểu diễn ca trù thời Pháp thuộc
Chú thích
- Hall, Patricia, ed. The Oxford Handbook of Music Censorship. New York: Oxford University Press, 2018.
- ↑ CINET: Ca trù-Một loại hình nghệ thuật độc đáo
- ↑ Ca trù được UNESCO bảo vệ khẩn cấp
- ↑ The Intangible Heritage Lists
- ↑ Ca trù singing
- ↑ 5,0 5,1 http://baophapluat.vn/dan-sinh/chuyen-it-biet-ve-ong-to-ca-tru-222568.html. Missing or empty
|title=
(help) - ↑ http://trantruongca.multiply.com/journal. Unknown parameter
|ngày truy cập=
ignored (help); Unknown parameter|tiêu đề=
ignored (help); Missing or empty|title=
(help) - ↑ Biên khảo - Luật hát nói
- ↑ 8,0 8,1 Hall. Tr 309-11
- ↑ Hall. Tr 320
- ↑ http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/item/38196802-ca-tru-do-hot-phach-gion.html. Missing or empty
|title=
(help) - ↑ 63 câu lạc bộ ca trù thường xuyên hoạt động
- ↑ https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/di-san-ca-tru-cung-bac-thoi-gian-589922.ldo. Missing or empty
|title=
(help) - ↑ http://bacninh.gov.vn/Trang/Tin%20chi%20ti%E1%BA%BFt.aspx?newsid=84283&cid=60&dt=2011-12-19
Liên kết ngoài
Template:Các chủ đề Template:Thể loại Commons
- Ả đào Việt Nam và ả đào và Geisha Nhật Bản, Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 331, tháng 1-2012
- người giữ lửa Ca trù cổ Đạm
- Ca trù - một di sản văn hóa cần được bảo tồn
- Đêm ca trù tưởng nhớ Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ
- Các câu lạc bộ nghệ thuật ca trù
- Nghe hát ca trù trực tuyến
- Thử bàn về ca trù
- Nghệ thuật ca trù
- Sức sống của nghệ thuật ca trù
- Sống dậy ca trù Thăng Long
- NGƯỜI CÓ CÔNG DÀN DỰNG ĐIỆU MÚA CỔ CA TRÙ CỔ ĐAM
- Ca trù Thăng Long - 12 tối thứ 7 và 365 ngày
Template:Kiệt tác truyền khẩu phi vật thể thế giới tại Việt Nam Template:Âm nhạc cổ truyền Việt Nam
Thể loại:Dân ca Việt Nam Thể loại:Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại tại Việt Nam Thể loại:Di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam