Minh Thế Tông
Template:Thông tin nhân vật hoàng gia
Minh Thế Tông (chữ Hán: 明世宗, 16 tháng 9, 1507 - 23 tháng 1, 1567), là vị Hoàng đế thứ 12 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông cai trị tổng cộng 45 năm, từ năm 1521 tới năm 1567, trở thành một trong những vị Hoàng đế Trung Quốc tại vị trên ngai vàng lâu nhất. Trong suốt thời gian trị vì, ông chỉ dùng một niên hiệu là Gia Tĩnh (嘉靖), nên chính sử cũng gọi ông là Gia Tĩnh Đế (嘉靖帝).
Trong quãng thời gian nhiều năm đầu cai trị, Thế Tông Gia Tĩnh Hoàng đế tiến hành cải cách, chăm lo quốc sự, chính sách quyết đoán, dẹp trừ hoạn quan, củng cố biên cương, xuất hiện 1 giai đoạn Trung hưng cục diện (中兴局面, Gia Tĩnh trung hưng), đưa Đại Minh quốc đi lên. Nhưng 18 năm cuối cùng trị vì, Thế Tông dần dần bỏ bê chính sự, không buồn thiết triều, pháp kỷ quốc gia cũng dần bị bãi bỏ.
Contents
Thân thế
Thế Tông Gia Tĩnh Hoàng đế tên thật là Chu Hậu Thông (朱厚熜), sinh ngày 16 tháng 9, năm 1507, là con trai thứ hai và cũng là người con trai duy nhất còn sống của Hưng vương Chu Hữu Nguyên, mẹ là Hưng Vương phi Tưởng thị. Xét theo vai vế, Chu Hậu Thông là em họ của Minh Vũ Tông. Chu Hậu Thông hồi nhỏ tính tình nhanh nhẹn, thông minh và biết tiết kiệm, lúc đó đã được vào Hoàng cung nhà Minh vài lần để biết mặt Hoàng đế.
Năm 1519, Hưng vương Chu Hữu Nguyên mất, truy thụy là Hưng Hiến vương (兴献王). Minh Vũ Tông đưa Chu Hậu Thông vào cung sống và Chu Hậu Thông đã thay Chu Hữu Nguyên làm Hưng vương (兴王).
Trong thời gian Minh Vũ Tông trị vì, tuy phi tần rất nhiều nhưng chẳng ai sinh con. Đến năm 1521, khi sắp chết thì Vũ Tông đã nói chuyện với thủ phụ Dương Đình Hòa để chỉ định em họ mình là Chu Hậu Thông lên kế vị. Năm 1521, Chu Hậu Thông được Dương Đình Hòa triệu về kinh và lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Tĩnh.
Sau khi Gia Tĩnh Đế kế vị, triều đình xảy ra sự kiện Đại lễ nghị (大礼议), xoay quanh việc truy tôn thụy hiệu cho cha của Gia Tĩnh là Hưng Hiến vương làm Hưng Hiến đế (兴献帝). Cuối cùng, Gia Tĩnh Đế có thể truy tôn cho Hưng Hiến vương làm Duệ Tông Hiến Hoàng đế (睿宗獻皇帝), tôn mẫu thân Tưởng phi làm Hưng Quốc Hoàng thái hậu (興國皇太后). Phụng thờ bài vị Duệ Tông được ở tại Thái miếu, đứng trên bài vị của Vũ Tông quá thế.
Trị vì
Template:Chính Tuy Gia Tĩnh lên ngôi lúc mới 15 tuổi và chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng nhờ có Dương Đình Hòa làm nhiếp chính, Gia Tĩnh Đế đã vạch ra tới 20 tội lỗi của Minh Vũ Tông, có ý chê anh họ mình bạc nhược, không biết cai trị đất nước. Ngay sau đó, Gia Tĩnh đã thực hiện hàng loạt những cải cách mới, sử xưng Gia Tĩnh tân chánh (嘉靖新政). Nghiêm minh dùng hình, điều chỉnh quan lại, chỉnh đốn luật lệ triều cương, đại xá thiên hạ, nghiêm cấm hoạn quan can dự triều chính, hoàn thiện khoa cử chế độ, giảm kinh phú dịch, thẩm tra hoàng thân quốc thích trang viên, công bằng chia cho dân chúng, củng cố quân đội đẩy lùi ngoại bang.
Mâu thuẫn xã hội dần dần được xoa dịu. Triều chính đổi mới, quốc khố được tăng dần, dân chúng ấm no, hạnh phúc. Thời đại này gọi là Gia Tĩnh trung hưng (嘉靖中兴), rất được các sử gia hậu Minh đánh giá cao.
Chính trị chỉnh đốn
Từ thời Minh Tuyên Tông Tuyên Đức Hoàng đế, chính trị rơi vào hình tam giác thế lực: Hoàng đế, văn quan và hoạn quan. Đặc biệt là văn quan, nắm trong tay nhiều quyền lực thông qua sử sách, quy củ, dùng pháp chế để khống chế hoàng đế ngai vị, cũng vì đó mà căn bản khiến các ngôn quan hình thành nên thế lực can chánh trọng yếu.
Từ khi Gia Tĩnh Đế kế vị, đả áp hoạn quan, nghiêm cấm hoạn quan can chính, triệt đi nhiều quyền hành. Đối với văn quan, qua cuộc đại lễ nghị về việc danh vị cho cha mẹ, Gia Tĩnh Đế đả kích tập đoàn văn quan, dần dần bãi trừ đi sự ảnh hưởng của Dương Đình Hòa, vốn thuộc phe phái văn quan. Cuối cùng, Gia Tĩnh Đế thành lập nên cho mình các viên quan mới, đảm bảo hoàng quyền của mình. Từ thời Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc Đế, vì dùng hoạn quan để giành hoàng vị nên bãi bỏ nhiều quy chế của Minh Thái Tổ Hồng Vũ Đế, để hoạn quan lạm quyền, đến nay Gia Tĩnh Đế nhất theo Hồng Vũ tổ chế, triệt giải hoàn toàn nhân lực gian nịnh tích lũy nhiều đời, mở ra cục bộ cải cách toàn diện.
Chỉnh đốn Hàn lâm viện tiêu cực tích lũy nhiều năm, Gia Tĩnh Đế đề cao năng lực thực thụ của Nội các Đại học sĩ, hành chỉnh lại thực quyền, đề cao hoàng quyền trung tâm của Hoàng đế. Đối với ngoại thích, Gia Tĩnh phế đi thế lực Trương thị của dòng họ Hiếu Thành Kính Hoàng hậu, dẹp trừ nạn ngoại thích.
Khoa cử và Văn học
Đối với chế độ Khoa cử, lấy Khoa bảng làm gốc, Gia Tĩnh Đế sau khi lên ngôi rất xem trọng việc này, nên đã ra sức cải cách và hoàn thiện chế độ khoa cử của nhà Minh. Ông trọng dụng những người ngay thẳng, khích lệ sĩ khí, phát triển giáo dục công năng. nhỏ|Minh Thế Tông Gia Tĩnh Hoàng đế Chu Hậu Thông Thời kỳ Gia Tĩnh, tác phẩm văn học lớn xuất hiện, Tam quốc diễn nghĩa và Thủy hử chính là thời kỳ này tạo nên. Lý Thời Trân (李时珍), Lý Khai Tiên (李开先), Từ Văn Trưởng (徐文长) các văn sĩ nổi danh, tạo nên một thời kỳ văn hóa tự do phóng bút thịnh thế.
Đương thời, Gia Tĩnh Đế thập phần coi trọng Vĩnh Lạc đại điển (永乐大典), do bị đốt mất, Gia Tĩnh Đế tiến hành làm bản sao để cất giữ trong cung, ghi chép lại thời kỳ Vĩnh Lạc Đế trị vì cách thức chính trị.
Nam uy Bắc lỗ
Năm 1550, thủ lĩnh Yểm Đáp nhà Bắc Nguyên đem quân làm loạn ở biên giới nhà Minh. Họ đã chiếm Đại Đồng, Kỳ Châu và Thông Châu, xông thẳng vào Yên Kinh. Gia Tĩnh lệnh cho Nghiêm Tung (严嵩) đem 2 vạn quân giao cho Đinh Nhữ Quỳ đánh dẹp. Sau 8 lần tấn công nhà Minh, bị quân Minh chống cự quyết liệt, lại bị tổn thất nặng, Yểm Đáp đành cầu hòa với nhà Minh và rút lui.
Sau khi dẹp được Loạn Yểm Đáp, Gia Tĩnh lại phải lo đến Nhật Bản đang hoành hành ở bờ biển miền Đông Trung Quốc từ cuối năm 1551. Đây là một cuộc nổi loạn của bọn cướp biển người Nhật gồm mấy ngàn tên cầm đầu. Chúng còn có hơn 10 vạn quân thiện chiến bao quanh để hộ tống đoàn cướp biển. Đám quân này từng đi quấy rối nhiều nước như Triều Tiên.
Năm 1554, quân Nhật đổ bộ vào đất Trung Quốc, đánh tan 5 vạn thủy quân nhà Minh ở bờ biển và tấn công dân chúng rất tàn bạo. Gia Tĩnh vô cùng lo lắng, phái quân đàn áp mãi nhưng không tiêu diệt được. Năm 1555, quân Nhật lại tấn công Hàng Châu, quân giặc hung hãn tấn công ào ạt như sóng dữ, giết chết nhiều người dân. Nhà Minh lại phái quân đàn áp, cũng bị chúng đánh tan. Năm 1556, thành Đồng Hương thất thủ.
Thực chất quân Nhật tới đây là chỉ có ý muốn cướp bóc của cải chứ không hề muốn xâm lược nhà Minh. Lúc giặc Nhật Bản chưa dẹp yên thì trong quân đội triều Minh xuất hiện danh tướng lừng danh Thích Kế Quang. Ông ta huấn luyện quân lính nghiêm khắc và rất có tài thao lược, lại yêu thương quân sĩ hết lòng, Gia Tĩnh cho phép ông làm tổng chỉ huy. Từ khi có Thích Kế Quang, quân Minh liên tục chiếm ưu thế nên mấy lần đánh quân Nhật đều thắng. Đầu năm 1558, quân Minh đánh thắng quân Nhật ở Sầm Cảng và đốt cháy thuyền chiến của chúng, tiêu diệt tổng cộng hơn mấy ngàn tên cướp.
Sùng phụng đạo giáo
Gia Tĩnh Đế sau nhiều năm trị vì, vào tuổi trung niên đâm ra mê đắm Đạo giáo, lạm dụng nhân sĩ, tôn sùng Đạo giáo trong cung, luyện đơn dược để mong trường sinh bất lão. Nhân sĩ Đào Trọng Văn (陶仲文) và nịnh thần Cố Khải Học (顾可学) do yêu mị chiều chuộng Gia Tĩnh, dần được cấc nhắc chức vị. Vì luyện đơn dược, Gia Tĩnh hành hạ cung nữ, dẫn đến Nhâm Dần cung biến (壬寅宮變) xém nữa giết chết ông.
Thủ phụ Nghiêm Tung (严嵩) chuyên chánh nhiều năm, tàn hại trong lương như Dương Kế Thịnh (楊繼盛) và Thẩm Luyện (沈鍊). Chính trị dần dần đi xuống, xảy ra Khởi nghĩa thợ mỏ Sơn Đông (山東礦工起義), Khởi nghĩa Trần Khanh (陳卿起義), Khởi nghĩa Thái Bá Quán (蔡伯貫起義).
Diệt họ Nghiêm
Đầu năm 1560, Vĩnh Thọ cung nơi Gia Tĩnh Đế ở bị hỏa hoạn, ông đành chuyển qua sống ở Điện Ngọc Hy. Điện này vừa nhỏ vừa thấp, lại thiết kế sơ sài, không chắc chắn. Gia Tĩnh hỏi Nghiêm Tung, Nghiêm Tung khuyên Gia Tĩnh Đế đừng xây lại Vĩnh Thọ cung mà qua ở tạm tại Thành Nam cung (nơi mà Minh Anh Tông ở lúc trước). Thành Nam cung tuy nguy nga tráng lệ, nhưng Gia Tĩnh lại vốn không thích sử dùng đồ vật cũ nên tỏ ra không hài lòng điều này. Gia Tĩnh lại hỏi Từ Giai (徐階), y khuyên Gia Tĩnh nên cố chịu sống tạm ở Ngọc Hy điện một năm để lấy thời gian đó mà xây dựng lại cung Vĩnh Thọ. Gia Tĩnh thấy rất có lý nên bằng lòng. Năm 1561, Vĩnh Thọ cung đã hoàn thành, Gia Tĩnh đã đổi tên nó thành Vạn Thọ cung, ban thưởng rất hậu cho Từ Giai và trách Nghiêm Tung là kẻ tối dạ. Nghiêm Tung bắt đầu lo lắng cho địa vị sau này của mình.
Sự xuất hiện của một hàng loạt nhân tài khiến Gia Tĩnh thay đổi thái độ với Nghiêm Tung. Một lần Gia Tĩnh bí mật đi theo Nghiêm Tung khi hắn dự triều nhưng hắn ta không biết chữ nên không đọc nổi bản tấu chương nào, chỉ ngồi uống rượu và dâm dục cung nữ. Quan lại thì chán nản ra về. Gia Tĩnh rất tức giận, liền cắt chức Nghiêm Tung vào tháng 4 năm 1562. Sau Gia Tĩnh hỏi Đại học sĩ Từ Giai, Thích Kế Quang và các đại thần cách trừng trị Nghiêm Tung, họ đồng thanh đáp: "Tội ác của cha con họ Nghiêm nhiều không kể xiết, bệ hạ nên xử lý thật đúng đắn và dứt khoát, làm sao để họ Nghiêm không có mặt trong triều đình là được rồi".
Gia Tĩnh làm theo lời Từ Giai, ép Nghiêm Tung phải từ quan về quê, đồng thời tống Nghiêm Thế Phan vào ngục, sau đày hắn tới bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông. Gia Tĩnh còn bắt hơn 50000 người họ Nghiêm đem tống vào ngục để chờ lệnh xét xử. Như vậy, Gia Tĩnh đã trừng trị hết dòng họ Nghiêm. Sau khi lật đổ cha con Nghiêm Tung, Đại học sĩ Từ Giai nắm triều chính, với tài năng xuất chúng của Từ Giai, triều Gia Tĩnh đã khởi sắc trong 5 năm cuối cùng.
Qua đời
Năm 1567, Gia Tĩnh uống rất nhiều thuốc kim thạch để trường thọ nhưng sau đó trúng độc rất nặng, nhiều ngự y bó tay vì ông uống quá liều. Cuối cùng, vào ngày 23 tháng 1, thì một tuần trước Tết Nguyên Đán, Gia Tĩnh Đế lâm bệnh nặng và qua đời ở Cung Vạn Thọ, thọ 60 tuổi.
Gia Tĩnh được dâng miếu hiệu là Thế Tông (世宗), thụy hiệu là Khâm Thiên Lý Đạo Anh Nghị Thần Thánh Tuyên Văn Nghiễm Vũ Hồng Nhân Đại Hiếu Túc Hoàng đế (欽天履道英毅聖神宣文廣武洪仁大孝肅皇帝), được an táng ở Vĩnh Lăng (永陵) trong Thập Tam Lăng.
Thái tử Chu Tái Hậu lên kế vị, tức Minh Mục Tông.
Hình ảnh trong nghệ thuật
Gia Tĩnh được miêu tả trong các bức tranh chân dung của triều đình đương đại, cũng như trong các tác phẩm nghệ thuật khác. Ví dụ, trong bức tranh toàn cảnh dưới đây, Hoàng đế có thể được nhìn thấy trong nửa bên phải cưỡi một con ngựa đen và đội mũ bảo hiểm. Ông được phân biệt từ đoàn tùy tùng vệ sĩ của mình với một lực lượng hùng hậu.
Gia quyến
- Thân phụ: Hưng Hiến vương Chu Hữu Nguyên, sau truy tôn làm Duệ Tông Hiến Hoàng đế (睿宗獻皇帝).
- Thân mẫu: Từ Hiếu Hiến Hoàng hậu Tưởng thị (慈孝獻皇后, ? - 1538), người Đại Hưng, con gái của Trung binh mã Chỉ huy sứ Ngọc Điền bá Tưởng Ninh (蔣斅), chính thất của Hưng vương.Sau khi Gia Tĩnh Đế kế vị, tấn tôn Hưng Quốc Hoàng thái hậu (興國皇太后).
- Hoàng hậu:
- Hiếu Khiết Túc Hoàng hậu Trần thị (孝洁肃皇后陈氏, 1508 - 1528), người Nguyên Thành, con gái của Tú tài Trần Vạn Ngôn (陳萬言). Tư sắc mỹ lệ, nhưng bị sẩy thai liên tục khiến Gia Tĩnh Đế ghét bỏ, có ý phế đi, nhưng quần thần can ngăn. Sau khi qua đời, sơ thụy Điệu Linh hoàng hậu (悼灵皇后), táng ở chỗ của Hoàng quý phi. Về sau Minh Mục Tông đã an táng lại Trần hoàng hậu theo đúng lễ nghi, cải thụy thành Hiếu Khiết (孝洁).
- Phế Hoàng hậu Trương thị (廢后張氏, ? - 1537), nhập cung cùng với Trần hoàng hậu và Cung phi Văn thị, lập làm Thuận phi (顺妃). Sau khi Trần Hoàng hậu băng được 3 tháng, được lập làm Hoàng hậu, đến năm 1534 thì bị phế. Có thuyết vì Trương hoàng hậu nói giúp em trai của Hiếu Thành Kính Hoàng hậu, khiến Gia Tĩnh Đế đại nộ.
- Hiếu Liệt Hoàng hậu Phương thị (孝烈圣皇后方氏, 1516 - 1547), người Giang Ninh, cha là Phương Thái (方泰). Năm 1531, Phương thị cùng 8 người nữa nhập cung, sách phong Đức tần (德嫔), đứng đầu Cửu tần. Sau khi Trương hoàng hậu bị phế, bà được lập làm Kế hoàng hậu, ra mắt tông miếu yết lễ.
- Hiếu Khác Hoàng hậu Đỗ thị (孝恪皇后杜氏, 1510 - 1554), nhập cung làm Khang tần (康嫔), sau phong Khang phi (康妃). Khi mất, truy phong Vinh Thục Khang phi (荣淑康妃). Sinh mẫu của Minh Mục Tông. Mục Tông kế vị truy phong làm Hiếu Khác Hoàng hậu.
- Phi tần:
- Trang Thuận Hoàng quý phi Thẩm thị (莊順皇貴妃沈氏, 1520 - 1581), nhập cung năm 1531, sách phong Hy tần (僖嫔). Năm 1534, được tấn phong làm Thần phi (宸妃), rồi Quý phi (贵妃). Năm 1540, cùng Vương Quý phi đồng tấn thăng làm Hoàng quý phi. Năm 1542, Đoan phi Tào thị bị xử lăng trì, bà nhận nuôi con gái của Đoan phi là Ninh An Công chúa đến khi Công chúa xuất giá. Qua đời thọ 60 tuổi, thụy đầy đủ là Trang Thuận An Vinh Trinh Tĩnh Hoàng quý phi (庄顺安荣贞静皇貴妃).
- Vinh An Hoàng quý phi Diêm thị (榮安皇貴妃阎氏, ? - 1541), người Sơn Tây. Nhập cung năm 1531, Diêm thị được phong Lệ tần (丽嫔). Năm 1534, tấn phong Lệ phi (丽妃), vài năm sau tấn phong Quý phi (贵妃), khi chết truy tặng Hoàng quý phi. Sinh ra Ai Trùng Thái tử.
- Đoan Hòa Hoàng quý phi Vương thị (端和皇貴妃王氏, ? - 1553), nhập cung năm 1531, sách phong Trang tần (莊嫔). Năm 1536, sách phong Chiêu phi (昭妃). Năm 1540, cùng Thẩm thị sách phong Hoàng quý phi. Bà sinh ra Trang Kính Thái tử.
- Cung Hi Trinh Tĩnh Quý phi Văn thị (恭僖貞靖貴妃文氏), cung nữ của Tưởng Thái hậu. Sau khi Thái hậu qua đời, Gia Tĩnh Đế lập làm Kính phi (敬妃), sau tấn phong Quý phi (貴妃). Sau khi mất, táng ở Điệu lăng.
- Vinh An Quý phi Mã thị (榮安貴妃馬氏).
- Quý phi Chu thị (貴妃周氏).
- Điệu Ẩn Cung phi Văn thị (悼隱恭妃文氏, ? - 1532), cha là Văn Vinh (文荣), do Văn thị đắc sủng nên được thăng làm Tứ phẩm Cẩm y vệ Đới bổng Chỉ huy thiêm sự, mẹ là Quách thị. Năm 1522, nhập cung cùng Hiếu Khiết Túc Hoàng hậu Trần thị và Thế Tông Trương Hoàng hậu, sách phong Cung phi (恭妃). Sau vì có tội mà bị giam trong cung, qua đời khi hơn 20 tuổi, bị đưa tang theo lễ Tần vị. Không có con.
- Hoài Vinh Hiền phi Trịnh thị (懷榮賢妃鄭氏, ? - 1536), nhập cung làm Hiền tần (贤嫔). Mất sớm, truy phong Hiền phi.
- Vinh Chiêu Đức phi Trương thị (榮昭德妃張氏).
- Đoan Tĩnh Cung Huệ Thục phi Trương thị (端靜恭惠淑妃張氏).
- Cung Thục An Hy Vinh phi Dương thị (恭淑安僖荣妃楊氏, ? - 1566), vốn là cung nữ, về sau bị chết trong đám cháy, được Gia Tĩnh truy phong làm Vinh phi.
- Cung Hy Lệ phi Vương thị (恭僖麗妃王氏, ? - 1553).
- Đoan Huệ Vĩnh phi Từ thị (端惠永妃徐氏).
- Tào Đoan phi (曹端妃, ? - 1542), tư sắc diễm lệ, vốn là sủng phi của Minh Thế Tông, về sau bị Phương Hoàng hậu tuyên xử lăng trì do thông đồng trong vụ Nhâm Dần cung biến (壬寅宮變). Sinh ra Thường An Công chúa và Ninh An Công chúa.
- Lư Tĩnh phi (盧靖妃. ? - 1588), xuất thân bình dân. Lư thị nhập cung năm 1531, sách phong Hòa tần (和嫔), sau phong Tĩnh phi. Sinh ra Tứ hoàng tử Cảnh Cung vương Chu Tái Quyến.
- Giang Túc phi (江肅妃), cha là Cẩm y vệ Đô chỉ huy thiêm sự Giang Dương (江洋). Sơ phong Cung tần (恭嫔). Bà sinh ra Ngũ hoàng tử Dĩnh Thương vương Chu Tái Lữ.
- Triệu Ý phi (趙懿妃, ? - 1569).
- Triệu Vinh phi (趙荣妃).
- Trần Ung phi (陳雍妃, ? - 1586).
- Trần Tĩnh phi (陳靜妃, ? - 1550).
- Vương Ninh tần (王宁嫔, ? - 1542), bị xử lăng trì cùng Tào Đoan phi.
- Vương Dụ tần (王裕嫔).
- Tống Lệ tần (宋丽嫔).
- Dư Vinh tần (余榮嬪).
- Quách Ninh tần (郭寧嬪).
Hậu duệ
Hoàng tử
TT | Họ tên | Tước vị | Sinh | Mất | Mẹ | Ghi chú |
---|---|---|---|---|---|---|
1 | Chu Tái Cơ 朱載基 |
Ai Trùng Thái tử 哀沖太子 |
tháng 8, 1533 | tháng 10, 1533 | Vinh An Hoàng quý phi | Chết non, táng tại Thiên Thọ Sơn, Thập tam lăng |
2 | Chu Tái Duệ 朱載壡 |
Trang Kính Thái tử 莊敬太子 |
1536 | tháng 4, 1549 | Đoan Hòa Hoàng quý phi | Năm 1549, Thế Tông làm lễ trưởng thành cho Hoàng tử. Trong buổi lễ, bị cảm lạnh rồi qua đời 2 ngày sau đó Táng tại Thiên Thọ Sơn, Thập tam lăng |
3 | Chu Tái Hậu 朱載垕 |
Mục Tông Trang Hoàng đế 穆宗莊皇帝 |
4 tháng 3, 1537 | 5 tháng 7, 1572 | Hiếu Khác Hoàng hậu | |
4 | Chu Tái Quyến 朱載圳 |
Cảnh Cung vương 景恭王 |
29 tháng 3, 1537 | 9 tháng 2, 1565 | Lư Tĩnh phi | Là một trong hai người con được phong Vương duy nhất còn sống của Thế Tông, không có con cái |
5 | Chu Tái Lỗ 朱載𪉖 |
Dĩnh Thương vương 颍殇王 |
8 tháng 9, 1537 | 8 tháng 9, 1587 | Giang Túc phi | Là một trong hai người con được phong Vương duy nhất lúc còn sống, được Hiếu Định Hoàng hậu chỉ định Chu Dực Lưu làm con thừa tự. |
6 | Chu Tái ? | Thích Hoài vương 戚怀王 |
1 tháng 10, 1537 | 5 tháng 8, 1538 | Triệu Ý phi | Chết non |
7 | Chu Tái Quỳ 朱载㙺 |
Kế Ai vương 蓟哀王 |
29 tháng 1, 1538 | 14 tháng 2, 1538 | Trần Ung phi | Chết non |
8 | Chu Tái Túc | Quân Tư vương 均思王 |
23 tháng 8, 1539 | 16 tháng 4, 1540 | Triệu Vinh phi | Chết non |
Hoàng nữ
TT | Tước vị | Họ tên | Sinh | Mất | Năm kết hôn | Phu quân | Mẹ | Ghi chú |
---|---|---|---|---|---|---|---|---|
1 | Thường An Công chúa 常安公主 |
Chu Thọ Anh 朱壽媖 |
1536 | 1549 | Tào Đoan phi | Mất khi còn trẻ, chưa thành hôn | ||
2 | Tư Nhu Công chúa 思柔公主 |
Chu Phúc Viên 朱福媛 |
1538 | 1549 | Vương Huy phi | Mất sớm | ||
3 | Ninh An Công chúa 宁安公主 |
Chu Lộc Trinh 朱禄媜 |
1539 | 1607 | 1555 | Lý Hoà (李和) | Tào Đoan phi | Con trai là Lý Thừa Ân (李承恩) |
4 | Quy Thiện Công chúa 归善公主 |
Chu Thụy Vinh 朱瑞嬫 |
1541 | 1544 | Trần Ung phi | Chết yểu | ||
5 | Gia Thiện Công chúa 嘉善公主 |
Chu Tố Chân 朱素嫃 |
1541 | 1564 | 1559 | Hứa Tụng Thành (许从诚) | Vinh An Đức phi | Còn xưng là Yên Thái Công chúa (安泰公主) |
Xem thêm
Chú thích
Thể loại:Vua nhà Minh Thể loại:Sinh 1507 Thể loại:Mất năm 1567