Minh Vũ Tông

Template:Thông tin nhân vật hoàng gia Minh Vũ Tông (chữ Hán: 明武宗; 26 tháng 10, 1491 - 20 tháng 4, 1521) là vị Hoàng đế thứ 11 của nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 1505 đến năm 1521, trong suốt thời gian 16 năm tại vị, ông chỉ dùng niên hiệuChính Đức (正德), nên các sử gia trong sử sách còn gọi ông là Chính Đức Đế (正德帝).

Phần đông sử gia mô tả Vũ Tông là một vị Hoàng đế gian dâm, phóng đãng và sở thích quái lạ, song cũng có những ý kiến trái ngược. Như việc ông giết gian hoạn Lưu Cẩn (刘瑾), bình định Ninh vương chi loạn (宁王之乱; hay còn gọi là Thần Hào chi loạn), Ứng Châu đại tiệp (应州大捷), cho thấy Vũ Tông cũng là một vị Hoàng đế có năng lực, quyết đoán.

Thời trẻ

Tên riêng của ông Chu Hậu Chiếu (朱厚照), sinh ngày 26 tháng 10 năm 1491 tại Tử Cấm Thành, là con trưởng của Minh Hiếu Tông Hoằng Trị Đế và Hiếu Thành Kính Hoàng hậu Trương thị. Ông có 1 em trai là Chu Hậu Vĩ (朱厚煒) và 1 em gái là Thái Khang Công chúa (太康公主), nhưng cả hai đều qua đời khi còn rất nhỏ, vì vậy ông là người con duy nhất trưởng thành của Hiếu Tông và Trương Hoàng hậu.

Năm 1493, ông được phụ hoàng lập làm Hoàng thái tử khi chỉ mới 2 tuổi. Bản chất ham chơi. Ông hay chơi đùa với các hoạn quan. Đôi khi ông nghĩ ra nhiều trò tinh quái mà không ai ngờ được.

Năm 1505, ngày 8 tháng 6, Minh Hiếu Tông qua đời, Thái tử Chu Hậu Chiếu lên kế vị, đổi niên hiệu là Chính Đức. Khi đó, ông vừa 14 tuổi.

Trị vì

Chìm đắm trong Báo phòng, hoạn quan lộng quyền

Lúc mới lên ngôi, tuy Minh Vũ Tông vẫn có tiến hành cải cách chính sự để tiếp tục duy trì sự thịnh trị mà Minh Hiếu Tông gây dựng, nhưng tính lười biếng của ông không cho phép ông trị nước. Chẳng bao lâu sau khi lên ngôi, Minh Vũ Tông dần dần nản chí và chán ghét chính sự.

Năm 1507, Minh Vũ Tông cho xây Báo phòng (豹房), cả ngày chìm đắm trong đó. Vốn thích săn bắn, Vũ Tông cho bắt các loài thú quý hiếm nhốt ở trong vườn tại Báo phòng để thưởng ngoạn. Còn trong Báo phòng, Vũ Tông cho thuê các mỹ nhân giỏi múa hát vào biểu diễn.

Cạnh ông có 8 hoạn quan hầu cận, hầu hạ cưỡi ngựa, đánh cầu, đuổi hươu, săn thỏ. Tên đứng đầu là Lưu Cẩn (刘瑾). Minh Vũ Tông chỉ ham chơi, thấy bọn Lưu Cẩn luôn chiều theo ý mình nên quý chuộng. 8 tên hoạn quan đó dựa thế hoàng đế, tha hồ ra ngoài cung làm mọi chuyện phi pháp. Dân gọi chúng là "bát hổ". Bọn họ hầu hạ Minh Vũ Tông ăn chơi đủ thứ. Chính vì thế, Vũ Tông chểnh mảng việc triều đình, thường vào thiết triều muộn hoặc không đến. Vũ Tông còn là kẻ nghiện rượu, ông tuyên bố cứ hai ngày mỗi khuya là dắt Lưu Cẩn ra ngoài hoàng cung uống rượu quá độ và dâm dục với một vài mỹ nhân. Quyền thế Lưu Cẩn ngày càng mạnh, khiến triều đình ai cũng khiếp sợ và căm giận.

Một số đại thần khuyên can Vũ Tông trừ bỏ tám con hổ dữ đó. Bọn Lưu Cẩn được tin, liền khóc lóc với Vũ Tông. Minh Vũ Tông không những không nghe lời can gián, mà còn thăng Lưu Cẩn lên chức Tư lễ giám và cho 2 tên đồng đảng của Lưu Cẩn làm đề đốc Đông xưởngTây xưởng. Nắm quyền lớn trong tay, Lưu Cẩn liền tập hợp các đại thần, bắt quỳ trước Kim Thủy Kiều, công bố ghép tội một loạt đại thần là "gian đảng" và đuổi khỏi triều đình.

Hàng ngày, bọn Lưu Cẩn bày ra đủ trò vui thú cho Vũ Tông, đợi tới khi Vũ Tông mải mê, mới đưa hàng loạt sớ tấu xin Vũ Tông phê duyệt. Minh Vũ Tông bực mình nói: "Ta nuôi các ngươi để làm gì? Có mấy việc vặt thế này bắt ta tự làm hay sao?". Nói xong, quẳng các sớ tấu cho Lưu Cẩn.

Từ đó, bất kì việc lớn nhỏ, Lưu Cẩn đều không trình lên nữa. Hắn chuyên quyền độc đoán, giả truyền ý chỉ hoàng đế cho các đại thần. Bản thân Lưu Cẩn không thông thạo chữ nghĩa, nên đọc không hiểu nội dung các sớ tấu, liền mang về nhà cho đồng đảng xử lý. Các quan thấy vậy, nên mỗi lần muốn tâu việc gì, chỉ đưa bản sao cho Lưu Cẩn, còn bản chính thì đưa ra trước triều đình.

Dân gian lưu truyền 1 câu nói: "Trong thành Bắc Kinh có hai Hoàng đế, một Hoàng đế ngồi, một Hoàng đế đứng; một Chu Hoàng đế, một Lưu Hoàng đế".[1]

Sợ bị chống lại, Lưu Cẩn phái đặc vụ của Đông xưởng, Tây xưởng đi do thám khắp nơi. Hắn còn đặt thêm 1 "nội hành xưởng" do tự mình quản lý bắt bớ. Số người bị bức hại lên tới mấy ngàn. Tiếng kêu than, oán giận của dân chúng vang dậy kinh thành. Lưu Cẩn lợi dụng quyền thế, hạch sách bóp nặn, đòi đưa hối lộ. Các quan địa phương tới kinh thành triều kiến, sợ Lưu Cẩn gây khó dễ, đều phải đưa lễ vật trước mặt hắn, mỗi lần có tới 2 bạn lạng bạc, hoặc phải vay nặng lãi mà trả dần. Tất nhiên, khoản tiền đó, lại bổ xuống đầu nhân dân lao động.

An Hóa vương chi loạn

Năm 1510, An Hóa vương Chu Chí Phiên lấy danh nghĩa chống Lưu Cẩn, khởi binh mưu phản, sử gọi là An Hóa vương chi loạn (安化王之乱). Minh Vũ Tông cử Dương Nhất Thanh là võ quan tổng quản vùng Ninh Hạ, Diên Tuy đem quân thảo phạt Chu Chí Phiên, đồng thời cử hoạn quan Trương Vĩnh làm giám quân, bắt được Chu Chí Phiên.[1]

Diệt trừ Lưu Cẩn

Dương Nhất Thanh sau khi dẹp An Hóa vương chi loạn (安化王之乱), có ý muốn trừ Lưu Cẩn. Ông dò biết Trương Vĩnh vốn là 1 hoạn quan trong "bát hổ", nhưng từ khi Lưu Cẩn đắc thế, Trương Vĩnh có mâu thuẫn với Lưu Cẩn, liền lôi kéo Trương Vĩnh về phía mình.

Trên đường về kinh, Dương Nhất Thanh ghé sát vào tai Trương Vĩnh, dùng ngón trỏ tay phải viết vào lòng bàn tay trái 1 chữ "Cẩn". Trương Vĩnh nhíu mày nói: "Kẻ đó hàng ngày ở bên mình hoàng thượng, lại nhiều tai mắt, muốn trừ hắn đi rất khó!".

Dương Nhất Thanh nói: "Ngài cũng là thân tín của hoàng thượng. Lần này khải hoàn về kinh, hoàng thượng nhất định sẽ triệu kiến ngài. Nhân dịp đó, ngài tâu rõ nguyên nhân khiến Chu Chí Phiên mưu phản, nhất định hoàng thượng sẽ giết Lưu Cẩn. Đại sự mà thành công thì tên tuổi của ngài sẽ lưu truyền hậu thế".

Trương Vĩnh vốn có hiềm khích với Lưu Cẩn, nay được Dương Nhất Thanh hiến kế, liền quyết tâm thực hiện. Đến Bắc Kinh, Trương Vĩnh ngay trong đêm vào gặp Vũ Tông, tố cáo Lưu Cẩn mưu phản.

Minh Vũ Tông liền hạ lệnh cho cấm quân đến bắt Lưu Cẩn. Lưu Cẩn không phòng bị gì, đang ngủ say, bị cấm quân xông vào trói lại, đưa vào nhà lao. Minh Vũ Tông sai cấm quân đến khám xét và tịch thu gia sản của Lưu Cẩn, phát hiện được 24 vạn nén vàng, 5 triệu nén bạc và vô số ngọc ngà châu báu. Ngoài ra, còn khám xét thấy long bào, đai ngọc, khôi giáp, vũ khí. Minh Vũ Tông lúc đó mới giật mình, lập tức xử tử Lưu Cẩn, dùng lăng trì hành hình.

Lưu Cẩn tuy bị giết, nhưng tình trạng ngu tối hủ bại của Vũ Tông đã nghiêm trọng tới mức không thể nào sửa được. Sau khi giết Lưu Cẩn, ông ta lại sùng bái 1 võ quan là Giang Bân (江彬). Giang Bân xúi giục hoàng đế, nhiều lần rời Bắc Kinh lên tìm thú vui chơi ở Tuyên Phủ (nay là Tuyên Hóa, Hà Bắc) để mọi quyền quân sự, chính trị cho Giang Bân giải quyết. Giang Bân vì vậy tha hồ tham nhũng, đòi hối lộ, bài xích người tốt.[1] nhỏ|Minh Vũ Tông Chính Đức Hoàng đế Chu Hậu Chiếu

Khởi nghĩa nông dân

Do sự thống trị thối nát của vương triều Minh, đất đai tập trung cao độ vào tay địa chủ, thuế má và lao dịch trút lên đầu nhân dân lao động rất nặng nề, nên các cuộc khởi nghĩa nhân dân liên tiếp nổ ra. Năm 1510, vùng phụ cận Bắc Kinh nổ ra cuộc khởi nghĩa do Lưu Lục, Lưu Thất lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 2 năm, nghĩa quân hoạt động trong phạm vi 8 tỉnh thuộc Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, 4 lần tiến tới gần Bắc Kinh, giáng 1 đòn nặng nề vào vương triều Minh thối nát.[1]

Trận Ứng Châu và cuộc nổi dậy Chu Thần Hào

Năm 1517, vua Mông CổDayan Khan đem quân quấy rối vùng Dương Cao, Sơn Tây. Minh Vũ Tông tự mình là tổng chỉ huy và đem quân dẹp loạn, cùng vũ tướng Giang Bân cầm quân, đại thắng. Sử gọi là Ứng Châu đại tiệp (应州大捷).

Năm 1519, Ninh vương Chu Thần Hào (稱宸濠) nổi dậy ở Nam Xương, Giang Tây, sử gọi là Ninh vương chi loạn (寧王之亂) hay Thần Hào chi loạn (宸濠之乱). Minh Vũ Tông sai Vương Dương Minh đem quân chinh phạt Thần Hào. Tới đầu năm 1520, Vương Dương Minh mới bắt được Ninh vương Chu Thần Hào nộp cho Minh Vũ Tông xét xử, Vũ Tông định giết nhưng Vương Dương Minh và triều thần khuyên can, nên Vũ Tông phải bắt hắn ta làm tù binh.

Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Chu Thần Hào, Minh Vũ Tông lại đi du ngoạn vùng Giang Nam.

Qua đời

Tháng 9 năm 1520, Vũ Tông đi câu cá ở ao Tích Thủy bị lật thuyền và ngã xuống nước. Rất may là được một binh sĩ nhảy xuống cứu. Tuy không bị chết đuối nhưng khi về kinh, ông đã đổ bệnh nặng.

Năm 1521, ngày 20 tháng 4, Vũ Tông chết trong Báo phòng, hưởng thọ 30 tuổi. Theo di chiếu, ông cho lập con trai của Hưng vương Chu Hữu Nguyên, theo vai vế là em họ ông, tức Chu Hậu Thông (朱厚熜), khi ấy được 14 tuổi. Quần thần tôn Chu Hậu Thông đăng cơ, tức Minh Thế Tông, niên hiệu là Gia Tĩnh. Thế Tông dâng miếu hiệuVũ Tông (武宗), thụy hiệuThừa Thiên Đạt Đạo Anh Túc Duệ Triết Chiêu Đức Hiển Công Hoằng Văn Tư Hiếu Nghị Hoàng đế (承天达道英肃睿哲昭德显功弘文思孝毅皇帝), an táng ở Khang lăng (康陵).

Gia quyến

Hậu phi

  1. Hiếu Tĩnh Nghị Hoàng hậu Hạ thị (孝靜毅皇后夏氏; 1492 - 1535), người Thượng Nguyên. Sau khi Thế Tông Gia Tĩnh Đế kế vị, dâng tôn hiệu là Trang Túc Hoàng hậu (莊肅皇后).
  2. Thục Huệ Đức phi Ngô thị (淑惠德妃吳氏, ? - 1539), cha là Ngô Nhượng (吴让), thông thuộc lễ nghĩa trong cung nên rất được Trương Thái hậu quý mến.
  3. Vinh Thục Hiền phi Thẩm thị (榮淑賢妃沈氏, ? - 1542), cha là Thẩm Truyên (沈传), cũng được Thái hậu quý mến như Ngô Đức phi.
  4. Lưu Mỹ nhân (刘美人), còn gọi là Lưu cơ (刘姬), con gái của Lưu Lương (刘良), vốn là kỹ nữ, rất được Vũ Tông sủng ái.
  5. Vương thị (王氏), không rõ phong hiệu, người phủ Thuận Thiên (Bắc Kinh ngày nay), có tài văn thơ.
  6. Mã thị (马氏), còn gọi Mã cơ (马姬), không rõ phong vị, tư sắc diễm mỹ, biết cưỡi ngựa bắn cung, thạo nhiều thứ tiếng, giỏi Hồ nhạc.
  7. Đới thị (戴氏), con gái của Tổng binh Đới Khâm (戴钦), không rõ phong hiệu.
  8. Vương Mãn Đường (王满堂), con gái của Vương Trí (王智), bị gạch tên trong danh sách tuyển phi của Vũ Tông, sau được phong nữ quan.

Xem thêm

Chú thích

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 "Lịch sử Trung Quốc 5000 năm". Nguồn: Đài Phát Thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI). Tác giả: Lâm Hán Đạt - Tào Dư Chương.

Liên kết ngoài

Template:Navboxes Template:Các chủ đề Template:Kiểm soát tính nhất quán Thể loại:Vua nhà Minh Thể loại:Sinh 1491 Thể loại:Mất năm 1521