Tào Chân

Revision as of 10:17, 28 November 2018 by 103.4.125.25 (talk) (Added)
(diff) ← Older revision | Latest revision (diff) | Newer revision → (diff)

Template:Thông tin nhân vật Tam Quốc Tào Chân (chữ Hán:曹真; ? -231), biểu tự Tử Đan (子丹), là một vị tướng của triều đình Tào Ngụy trong thời Tam Quốc của lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến là một vị tướng phục vụ dưới trướng của Tào Tháo và là cha của Tào Sảng, một đại thần thời Ngụy Phế Đế Tào Phương. Ông có công trấn giữ, đẩy lùi cuộc Bắc phạt của Thừa tướng Gia Cát Lượng vào năm 228 tại Trần Thương.

Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Tào Chân được mô tả là một vị tướng được các Hoàng đế nhà Ngụy tin dùng phong làm Đại đô đốc, Đại tư mã vì thân thuộc mà không trọng dụng Tư Mã Ý. Chính vì vậy trong những lần Bắc phạt, Gia Cát Lượng đã dùng nhiều mưu kế để liên tiếp đánh bại quân Tào. Khi Tư Mã Ý được bổ nhiệm làm đô đốc để chống Thục thì tình thế chuyển biến theo hướng tích cực hơn cho quân Ngụy.

Tiểu sử

Theo Tam quốc chí, Tào Chân là thân thích họ hàng xa của Tào Tháo. Cha ông là Tào Thiệu (曹邵), theo Tào Tháo mộ quân chống Đổng Trác, bị Thái thú Dự Châu Hoàng Uyển giết. Ông có một ngưởi em trai là Tào Bân (曹彬), được Tào Ngụy Văn Đế truy phong Liệt hầu. Một em gái về sau phong làm Đức Dương hương chúa (德阳乡主), lấy Hạ Hầu Uyên, sinh ra Hạ Hầu HuyềnHạ Hầu Huy.

Tuy nhiên theo Ngụy lược (魏略), Tào Chân vốn họ Tần, cha của ông là Tần Bá Nam (秦伯南) là người bạn lâu năm của Tào Tháo. Năm 195, Tào Tháo bị truy lùng, chính cha của Tào Chân đã tự nhân mình là Tào Tháo (khi ấy người ta không biết mặt Tào Tháo) và bị hành quyết. Tào Tháo cảm kích ân họ Tần, đã nuôi dưỡng đứa con trai chính là Tào Chân như con mình vậy. Ngay từ nhỏ, ông đã rất thân thiết với con thứ của Tào Tháo là Tào Phi và một người nữa là Tào Hưu. Cả ba người thường giao du với 5 trong số Kiến An thất tử. Do thân hình mũm mĩm, ông hay bị trêu chọc bởi những người bạn của mình, đặc biệt nhất là người có tiếng hay bỡn cợt Ngô Chất (吳質).

Dẫu vậy, Tào Chân có sự thiên bẩm của một vị tướng. Theo Tam quốc chí, thời còn trẻ ông từng hạ gục một con hổ chỉ bằng một mũi tên. Tào Tháo hết sức tán thưởng và đã để ông làm đội trưởng Hổ Báo kị (虎豹騎). Về sau, Tào Chân đánh được giặc Linh Khâu, thụ phong Linh Thọ đình hầu (靈壽亭侯). Dần dần, do nhiều công trạng trong cuộc chiến với Lưu Bị, Tào Chân thăng làm Tả tướng quân (左將軍), Trung Kiên tướng quân (中堅將軍), Trung Lĩnh quân (中領軍).

Từ đây, ông hay đi theo Tào Tháo trong các chiến dịch quan trọng, đặc biệt là Trận Hán Trung. Trong trận này, em rể ông là Hạ Hầu Uyên tử trận, ông được thay thế Hạ Hầu Uyên làm Chinh Thục tướng quân (征蜀將軍). Sau đó, Tào Chân có nhiệm vụ lấy lại Dương Bình quan cùng với Từ Hoảng. Thế cuộc trận đấu xấu đi, Tào Tháo buộc phải cứu Trương Cáp đang bị bao vây bởi Lưu Bị, còn Tào Chân được ra lệnh hợp quân với Tào Hồng rút về giữ hậu phương Trần Thương.

Năm Hoàng Sơ nguyên niên (220), Tào Phi soán Hán, Tào Chân được phong Trấn Tây tướng quân (鎮西將軍), Đô đốc Ung ChâuChư quân sự Lương Châu, tước phong Đông Hương hầu (東鄉侯). Khiển Phí Diệu dẹp loạn Trương Tiến, Tào Chân trở về Lạc Dương được phong Thượng Quân đại tướng quân (上軍大將軍). Sau đó, ông cùng Hạ Hầu Thượng chinh phạt Tôn Quyền, chuyển làm Trung Quân đại tướng quân (中軍大將軍).

Năm Hoàng Sơ thứ 6 (226), Tào Phi băng hà, Tào Chân nhận mệnh cùng Trần QuầnTư Mã ÝTào Hưu phụ tá Tào Duệ. Tào Chân tiếp tục được phong làm Đại tướng quân, tước Thiệu Lăng hầu (邵陵侯).

Năm Thái Hòa thứ 2 (228), Thừa tướng Thục HánGia Cát Lượng tiến hành Bắc phạt, Tào Chân nhận thấy Gia Cát Lượng sẽ tấn công Trần Thương, lệnh tướng Hác Chiêu trấn thủ, quả nhiên Gia Cát Lượng đánh Trần Thương và bị bại, không thể làm gì ngoài thoái binh. Sau trận này, Tào Chân được tấn phong Đại tư mã, quyền uy tối thượng.

Năm Thái Hòa thứ 4 (230), ngày 16 tháng 3, Đại tư mã Tào Chân nhận thấy Thục Hán quấy nhiễu biên cương không có lợi, bèn kiến nghị công chiến Thục Hán, Minh Đế Tào Duệ chấp thuận ý kiến này. Tào Chân từ Trường An tiến quân, còn Tư Mã Ý từ Hán Thủy tiến quân, đến Tà Cốc (斜谷) sẽ đồng loạt tiến công Thục Hán. Tuy nhiên trời đổ mưa, cuộc hành quân tạm hoãn. Ngay sau đó, Tào Chân đột nhiên mắc bệnh, phải về Lạc Dương.

Năm sau (231), tháng 4, Đại tư mã Tào Chân qua đời, thụy là Nguyên hầu (元侯).

Gia đình

  • Tào Sảng (曹爽), con trưởng, phụ chính thời Tào Phương, giữ chức Đại tướng quân, Lục Thượng thư sự, bị Tư Mã Ý giết.
  • Tào Hy (曹羲), phong Liệt hầu, Trung lĩnh quân, sau bị Tư Mã Ý giết.
  • Tào Huấn (曹訓), phong Liệt hầu, Vũ Vệ tương quân, sau bị Tư Mã Ý giết.
  • Tào Tắc (曹則), phong Liệt hầu, sau bị Tư Mã Ý giết.
  • Tào Ngạn (曹彥), phong Liệt hầu, chức Tán Kỵ Thường thị Thị giảng, sau bị Tư Mã Ý giết.
  • Tào Ngai (曹皚), phong Liệt hầu, sau bị Tư Mã Ý giết.

Cháu:

  • Tào Hy (曹熙), cháu họ Tào Chân, sau khi anh em Tào Sảng bị giết, được phong Tân Xương Đình hầu, làm hậu tự cho Tào Chân.

Tất cả các con cháu trực hệ của Tào Chân đều bị Tư Mã Ý giết trong Sự biến Lăng Cao Bình.

Tham khảo

Template:Nhân vật Tam Quốc

Thể loại:Nhân vật quân sự Tào Ngụy Thể loại:Mất 231 Thể loại:Nhân vật Tam quốc diễn nghĩa