Tào Phi
Template:Thông tin nhân vật hoàng gia Tào Phi (chữ Hán: 曹丕; 187 - 29 tháng 6, năm 226[1]), biểu tự Tử Hoàn (子桓), là vị Hoàng đế đầu tiên của Tào Ngụy, một trong 3 nước thời kì Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 220 đến năm 226, tổng cộng 6 năm.
Sau khi cha ông Tào Tháo qua đời, ông kế vị tước hiệu Ngụy vương (魏王) của cha mình trong vòng 7 tháng; từ tháng 5 đến khi xưng Đế vào tháng 12 năm 220, sau khi ép Hán Hiến Đế Lưu Hiệp thiện nhượng, sự kiện được sử Trung Hoa gọi là [[Tào Phi soán Hán; 曹丕篡漢]. Bên cạnh là vị Hoàng đế Tào Ngụy đầu tiên, ông còn nổi tiếng là nhà thơ lỗi lạc, cùng cha Tào Tháo và em trai Tào Thực, được gọi là Tam Tào (三曹), rất nổi tiếng trong văn học Kiến An. Hiện còn lại Ngụy Văn Đế tập (魏文帝集) gồm 2 quyển. Ngoài ra, ông còn là nhà lý luận và nhà phê bình văn học đầu tiên của Trung Quốc[2], sở hữu tập Điển luận (典論).
Sau khi qua đời, ông được con là Ngụy Minh Đế Tào Duệ truy tôn thụy hiệu là Văn Hoàng đế (文皇帝), miếu hiệu Thế Tổ (世祖), thông thường gọi Ngụy Văn Đế (魏文帝).
Contents
Tiểu sử
Tào Phi sinh ở huyện Tiêu, nước Bái, thuộc Dự châu (hiện nay là huyện Hào, Bạc Châu, tỉnh An Huy), là con thứ ba (trước có tỷ tỷ, huynh Tào Ngang là con của Lưu thị) của Tào Tháo mẹ là Biện phu nhân, kế thất của Tào Tháo, xuất thân từ nhà xướng kỹ. Theo Ngụy thư, Tào Phi từ nhỏ văn võ song toàn, 8 tuổi có thể đặt bút viết thơ, giỏi kị xạ, múa kiếm, thông hiểu Bách gia chư tử.
Năm Kiến An thứ 2 (197), huynh trưởng Tào Ngang (曹昂) theo Tào Tháo đi đánh Uyển Thành, bị chết trận. Đinh phu nhân là chính thất của họ Tào, vì chuyện này mà đòi li dị với Tào Tháo. Do đó, Biện phu nhân trở thành kế thất, vì thế Tào Phi cũng trở thành đích trưởng tử của Tào Tháo.
Năm Kiến An thứ 16 (211), Tào Phi giữ chức Ngũ quan Trung lang tướng (五官中郎將), tức Phó thừa tướng nhà Hán. Trong số anh em của mình, Tào Phi là người sắc sảo nhất. Thay vì dùi mài kinh sử hay thao luyện quân binh, Tào Phi thường có mặt trong triều với các quan chức để tranh thủ sự ủng hộ của các quan và tham gia vào việc quân sự cùng cha. Tào Phi có nhiều điều đối xử và giám sát khắt khe với các anh em trong nhà. Nhiều nhà sử học cho rằng sở dĩ như vậy vì ông ghen tài văn chương với Tào Thực và tài quân sự với Tào Chương. Có thuyết nói ông đã hạ độc giết Tào Chương, và ép Tào Thực phải làm thơ trong vòng 7 bước chân về đề tài huynh đệ, và trong thơ không được có 2 từ huynh đệ, nếu không được sẽ xử chết.
Năm Kiến An thứ 22 (217), sau khi đánh bại em trai Tào Thực trong việc tranh giành vị trí thừa kế, Tào Phi được chính thức phong làm Vương Thế tử, trở thành người kế thừa của Tào Tháo.
Soán Hán tự lập
Năm Kiến An thứ 25 (220), Ngụy vương Tào Tháo chết, Vương thế tử Tào Phi kế nghiệp chức Thừa tướng nhà Hán, nhận danh hiệu Ngụy vương (魏王). Lên làm Ngụy vương, Tào Phi không e ngại dư luận như Tào Tháo và mang chí hướng muốn soán Hán tự lập.
Mùa thu năm đó, Tào Phi sai thân tín dâng thư lên Hán Hiến Đế, khuyên Hiến Đế nhường ngôi cho Ngụy vương. Để tỏ ra khiêm nhường, Tào Phi đã từ chối 3 lần, đến lần thứ 4 mới nhận. Đây được gọi là sự kiện Tào Phi soán Hán (曹丕篡漢) nổi tiếng lúc bấy giờ. Hán Hiến Đế đã ngồi trên ngai vàng làm bù nhìn suốt hơn 30 năm, nay nhận được biểu của các đại thần đành tuyên bố nhượng vị, đổi xưng là Sơn Dương công (山陽公). Các đại thần còn bày ra một nghi thức nhường ngôi long trọng để Hán Hiến Đế bưng Ngọc tỉ dâng cho Ngụy vương Tào Phi để tỏ rằng hoàn toàn tự nguyện.
Tháng 10 năm 220, Tào Phi tự xưng là Ngụy Đế (魏帝), trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của Tào Ngụy. Cải nguyên Hoàng Sơ (黄初), định đô tại Lạc Dương, truy xưng cha mình là Tào Tháo làm Vũ hoàng đế (武皇帝). Sau khi lên ngôi, ông đã tiếp tục cuộc chiến của cha mình chống lại Thục Hán của Lưu Bị và Đông Ngô của Tôn Quyền.
Trong thời gian ở ngôi, Tào Phi có điều tiếng là khiến tướng Vu Cấm phải xấu hổ mà chết. Chuyện là, Vu Cấm được Tào Tháo sai đi đánh nhau với Quan Vũ, bị Quan Vũ đánh bại và cùng phó tướng Bàng Đức bị bắt sống. Trong khi Bàng Đức không chịu khuất phục thì Vu Cấm lại sợ hãi xin đối phương tha mạng. Kết quả Đức bị chém còn Cấm bị giam.
Sau đó Tôn Quyền sai Lã Mông đánh úp Kinh châu, bắt giết Quan Vũ. Lã Mông bắt được Vu Cấm, bèn trả về cho Tào Tháo. Đến khi làm Hoàng đế, Tào Phi sai người vẽ tranh chế giễu Vu Cấm đặt ở nơi công cộng. Trong tranh, Quan Vũ ngồi chễm chệ, Bàng Đức vươn cổ chịu chém, còn Vu Cấm thì khúm núm lạy lục Quan Vũ. Bởi thế Vu Cấm không chịu nổi nỗi nhục, lo rầu mãi sinh bệnh mà chết.
Tào Phi ở ngôi 6 năm (220 - 226), băng hà khi chỉ vừa 40 tuổi, thụy hiệu là Văn hoàng đế (文皇帝), miếu hiệu là Thế Tổ (世祖), được an táng ở Thủ Dương Lăng (首阳陵). Thái tử Tào Duệ lên nối ngôi, tức là Ngụy Minh đế.
Sự nghiệp văn chương
Tào Phi rất giỏi thơ phú, ông cùng với cha (Tào Tháo) và em (Tào Thực), đều là những cây bút nổi bật trên Văn đàn Kiến An. Thơ của ông hiện còn khoảng 40 bài và bộ Điển luận[3].
Tuy vậy, qua đó người đọc cũng hiểu được một phần nào quan niệm sáng tác của ông:
- Trần Đình Sử trong Từ điển Văn học (bộ mới) viết đại ý như sau:
- Văn (Tào Phi) có nhiều thể, hiếm có ai giỏi hết, do đó văn nhân không nên dựa vào sở trường của mình mà khinh người, mà nên thẩm xét để hiểu người (thẩm kỷ độ nhân). Ông phản đối thói "văn nhân tương khinh" (văn nhân thường khinh nhau), hay khép kín kiến giải của mình. Ngoài ra, ông còn phê phán khuynh hướng "quý xa, khinh gần", làm văn cốt cầu danh, mà quay lưng với sự thực.
- Các thể loại có những điểm khác nhau: Tấu, nghị nên trang nhã, thư luận nên có lý lẽ, thi phú cần phải đẹp.
- Văn chương đều là sự biểu hiện tư tưởng, tình cảm của người viết. Cho nên gốc văn chương giống nhau mà ngọn (hình thức biểu hiện) khác nhau. Cái khác đó do "khí". Tào Phi viết: "Văn lấy khí làm chủ, mà khí trong hay đục là bẩm phú, không thể dùng sức gắng gượng mà có được".
- Nho gia xem "lập ngôn" đứng sau "lập đức", "lập công"; Tào Phi đưa "lập ngôn" lên vị trí cao nhất, xem đó là "việc lớn lao bất hủ trong sự nghiệp trị nước" (kinh quốc chi đại nghiệp, bất hủ chi thịnh sự). Đây chính là quan điểm làm cho văn học Kiến An phồn thịnh[4].
- Nguyễn Hiến Lê nhận xét:
- Giọng thơ Tào Phi không hùng như cha (Tào Tháo), mà có vẻ phong lưu, nhàn nhã. Ngoài tài thơ, Tào Phi còn là nhà phê bình đầu tiên của Trung Quốc, Trong thiên Luận văn, ông có nhiều ý xác đáng, như:
- Văn lấy khí làm chủ, mà khí có hai thể "thanh" và "trọc". Cả hai đều do trời sinh, không thể gắng sức mà luyện, dẫu cha anh cũng không thể truyền được cho con, em.
- Bàn về các thể văn, ông cho rằng luận thuyết phải đúng lý, mà thi phú thì cần phải đẹp. Đó là khởi nguyên phong trào duy mĩ ở thời Lục Triều, trái hẳn với lối "Văn dĩ tải đạo" (văn để chở đạo) của Tiền Hán trở về trước. Duy mĩ tức là "nghệ thuật vị nghệ thuật", mà tải đạo tức là "nghệ thuật vị nhân sinh".
- Ở một thời cực kì loạn lạc như thời Lục Triều, chủ trương đó rất được hoan nghênh. Cho nên thời bấy giờ là thời văn thơ lãng mạn nhất của Trung Quốc, và nhóm Trúc Lâm thất hiền nổi tiếng vì thói khinh đời ngạo vật, phóng đãng, bất chấp lễ nghi...[5]
So sánh với Tào Phi, học giả này viết:
- "Tào Phi và Tào Thực, là hai anh em ruột mà tính tình và đời sống trái nhau hẳn. Tào Phi làm vua chỉ cho văn chương mới là sự nghiệp lớn, đáng lưu truyền lại thiên thu; còn phú quý, công danh hễ chết là hết. Tào Thực, ngược lại, cho văn chương là nghề mọn mà sự lập công mới đáng trọng. Kết lại, ba cha con là Tào Tháo, Tào Phi, Tào Thực, làm lĩnh tụ trên thi đàn Kiến An. Tháo có giọng trầm hùng. Phi thì sầu, nhã. Thực, đa tài hơn cả; thơ vừa diễm lệ, vừa lâm ly và cao kỳ. Đến năm 232, Tào Phi và Tào Thực đều đã chết hết, văn đàn rực rỡ thời Kiến An cũng rã tan theo".[6].
Gia quyến
- Thân phụ: Tào Tháo, truy phong Thái Tổ Vũ hoàng đế (太祖武皇帝).
- Thân mẫu: Biện phu nhân, truy phong Vũ Tuyên hoàng hậu (武宣皇后).
- Thê thiếp:
- Chân phu nhân, nguyên phối thê tử, sinh Ngụy Minh Đế Tào Duệ và Đông Hương công chúa. Được truy tôn Văn Chiêu hoàng hậu (文昭皇后) bởi con trai.
- Quách Nữ Vương, kế thất, tuy là thị thiếp nhưng được phong thẳng làm Hoàng hậu khi Tào Phi lên ngôi. Thụy hiệu Văn Đức hoàng hậu (文德皇后).
- Từ cơ (徐姬) phong Phi (妃)
- Lý quý nhân (李貴人).
- Âm quý nhân (陰貴人).
- Sài quý nhân (柴貴人).
- Phan thục viên (潘淑媛).
- Chu thục viên (朱淑媛).
- Cừu chiêu nghi (仇昭儀).
- Tô cơ (蘇姬).
- Trương cơ (張姬).
- Tống cơ (宋姬).
- Hai chị em, con gái Hán Hiến Đế.
- Nhậm thị, xuất thân danh môn, nhưng không hợp tính Tào Phi, bị đuổi đi.
- Tiết Linh Vân (薛灵芸), sau khi nhập cung đổi tên Dạ Lai (夜來).
- Con trai:
- Ngụy Minh Đế Tào Duệ, mẹ là Chân phu nhân. Từ Tề công (齐公), phong Bình Nguyên vương (平原王). Khi Tào Phi lâm chung mới quyết định làm Thái tử.
- Tào Hiệp (曹協), mẹ Lý quý nhân, mất sớm, có con trai Tào Tầm.
- Tào Nhuy (曹蕤; ? - 233), mẹ Phan thục viên, tước Bắc Hải vương (北海王).
- Tào Giám (曹鑒; ? - 225), mẹ Chu thục viên, tước Đông Vũ Dương vương (东武阳王).
- Tào Lâm (曹霖; ? - 250), mẹ Cừu chiêu nghi, tước Đông Hải vương (东海王). Khi Tào Phương bị phế, con trai Tào Lâm là Cao Quý Hương công Tào Mao được lập, sau bị Tư Mã Chiêu giết hại.
- Tào Lễ (曹禮; 208 - 229), mẹ Từ cơ, tước Nguyên Thành vương (元城王), từng được Tào Phi lựa chọn lập làm Thái tử.
- Tào Ung (曹邕; ? - 229), mẹ Tô cơ, tước Hàm Đan vương (邯郸王).
- Tào Cống (曹貢; ? - 223), mẹ Trương cơ, tước Thanh Hà vương (清河王).
- Tào Nghiễm (曹儼; ? - 223), mẹ Tống cơ, tước Quảng Bình vương (广平王).
- Tào Giai (曹喈), không rõ mẹ, xuất hiện trong bài Trọng Ung ai từ (仲雍哀辞) của Tào Thực.
- Con gái:
- Đông Hương công chúa (東鄉公主), mẹ Chân phu nhân.
Tham khảo
- ↑ [1]
- ↑ Theo Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc (Nhà xuất bản Trẻ, 1997, tr.159) và Dịch Quân Tả, Văn học sử Trung Quốc quyển I (Nhà xuất bản Trẻ, 1992, tr. 289)
- ↑ Tác phẩm phê bình văn học này đã bị thất lạc, ngày nay chỉ còn lại hai thiên là Tự tự và Luận văn
- ↑ Lược theo Trần Đình Sử, Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004, tr. 1598.
- ↑ Lược theo Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc tập I (Nhà xuất bản Văn hóa, 1997, tr. 271-272) và Đại cương Văn học sử Trung Quốc, cùng tác giả, tr.159.
- ↑ Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc, tr.160 và 169.
- Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc. Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
- Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc tập I. Nhà xuất bản Văn hóa, 1997.
- Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
- Dịch Quân Tả, Văn học sử Trung Quốc (quyển 1). Nhà xuất bản Trẻ, 1992.
- La Quán Trung, Tam Quốc chí (các chương: 33, 79, 80). Nhà xuất bản Văn học & Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1995.
Liên kết ngoài
![]() |
Wikimedia Commons has media related to Cao Pi. |
Hiếu Văn Hoàng Đế Born: 187 Died: 226
| ||
Regnal titles | ||
---|---|---|
Preceded by Không có |
Hoàng đế nhà Tào Ngụy 220-226 |
Succeeded by Tào Duệ |
Titles in pretence |
Template:Kiểm soát tính nhất quán Template:Vua Tào Ngụy Template:Văn học Kiến An Template:Nhân vật Tam Quốc
Thể loại:Sinh năm 187 Thể loại:Mất 226 Thể loại:Học giả Trung Quốc Thể loại:Hoàng đế Tào Ngụy