Tổng đốc
Tổng đốc (chữ Hán: 總督) là một chức quan của chế độ phong kiến trao cho viên quan đứng đầu một vùng hành chính gồm nhiều tỉnh thành. Tổng đốc coi mọi mặt về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt mình quản lý. Chức Tổng đốc được áp dụng tại Trung Quốc (hai triều Minh - Thanh) và một số nước Đông Á lân cận Trung Quốc, trong đó có Việt Nam (triều nhà Nguyễn).
Trung Quốc
Chức vụ tổng đốc được thiết lập năm Cảnh Thái thứ 3 (1452) thời Minh Đại Tông, theo lời tấu của Vu Khiêm để lập ra chức Tổng đốc Lưỡng Quảng[1]. Vương Cao là vị tổng đốc đầu tiên[1], nhưng chưa có trụ sở làm việc cố định. Tới năm Thành Hóa thứ 5 (1469) dưới thời Minh Hiến Tông, phủ làm việc của tổng đốc Lưỡng Quảng tại Ngô Châu mới chính thức được lập ra. Tổng đốc Lưỡng Quảng khi đó là Hàn Ung.
Việt Nam
[[Tập tin:hoangdieu.jpg|200px|nhỏ|Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu]] Ở Việt Nam, từ năm Tân Mão 1831, năm thứ 12 triều vua Minh Mạng, nhà vua cho đổi các trấn (tức là các thừa tuyên của nhà Hậu Lê) thành tỉnh và chia Việt Nam thành 30 tỉnh và đặt các chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát, Lãnh binh tại địa phương cấp liên tỉnh và cấp tỉnh. Tiền thân của chức Tổng đốc là các chức Tổng trấn và Hiệp trấn vào thời vua Gia Long, còn trước đó từ triều nhà Hậu Lê là các chức quan Trấn thủ hay Lưu trấn. Sử nhà Nguyễn còn gọi chức Tổng đốc bằng cái tên gọi Hộ lý tổng đốc hay Hộ đốc[2].
Trong 30 tỉnh thành triều nhà Nguyễn, triều đình thường chia thành các vùng đặt dưới sự cai quản của một quan Tổng đốc như sau:
- Bắc Kỳ
- Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (tam tuyên) coi các tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, thuộc Bắc kỳ. Tổng đốc tiêu biểu: Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, Thái Bảo "Phấn Dũng Tướng Quân" Nguyễn Chính Lâu (1857-1918): quê ở xóm Phượng Trì (ao con Phượng). Nay là thôn Dộc - làng Bình Đà - xã Bình Minh - huyện Thanh Oai - Hà Nội (Quan văn - võ nhất phẩm cận gần vua. Tương đương Bộ trưởng ngày nay).;
- Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Ninh Bình), thuộc Bắc kỳ;
- Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh, Thái Nguyên), thuộc Bắc kỳ;
- Tổng đốc Hải An hay Hải Yên (Hải Dương, Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay)), thuộc Bắc kỳ;
- Tổng đốc Định An hay Định Yên (Nam Định, Hưng Yên), thuộc Bắc kỳ;
- Tổng đốc Lạng Bình (Lạng Sơn, Cao Bằng), thuộc Bắc kỳ;
- Trung kỳ
- Tổng đốc Thanh Hóa, thuộc Trung kỳ; (Thanh Hóa là một tỉnh lớn đông dân nên không gộp thêm vào tỉnh khác)
- Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh), thuộc Trung kỳ;
- Tổng đốc Bình Trị (Quảng Bình, Quảng Trị), thuộc Trung kỳ;
- Tổng đốc Nam Nghĩa (Quảng Nam, Quảng Ngãi), thuộc Trung kỳ;
- Tổng đốc Bình Phú (Phú Yên, Bình Định), thuộc Trung kỳ;
- Tổng đốc Thuận Khánh (Bình Thuận, Khánh Hòa), thuộc Trung kỳ;
- Nam kỳ
- Tổng đốc An Hà (An Giang, Hà Tiên), thuộc Nam kỳ;
- Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường), thuộc Nam kỳ;
- Tổng đốc Định Biên (Gia Định, Biên Hòa), thuộc Nam kỳ;
- Kinh đô
Riêng hành tỉnh Thừa Thiên, về danh nghĩa chỉ đặt đến cấp phủ, nên không đặt chức Tổng đốc mà chỉ đặt chức Phủ doãn phủ Thừa Thiên, vì là có Kinh thành, chịu điều hành trực tiếp của vua và triều đình.
Tổng đốc thường mang hàm tòng nhất phẩm hoặc chánh nhị phẩm.
Tham khảo
- ↑ 1,0 1,1 Minh sử - quyển 177 - Liệt truyện 65 - Vương Cao. Nguyên tác: "兩廣有總督自翺始" (Lưỡng Quảng hữu tổng đốc tự Cao thủy)
- ↑ xem cách gọi các Tổng đốc nhà Nguyễn trong nội dung các tập sách của bộ Đại Nam thực lục.
Thể loại:Chức quan phong kiến Thể loại:Hành chính Việt Nam thời Nguyễn Thể loại:Chính quyền địa phương