Thuận An
Template:Bài cùng tên Template:Thông tin đơn vị hành chính Việt Nam Thuận An là một thị xã thuộc tỉnh Bình Dương, nằm giữa thành phố Thủ Dầu Một và Thành phố Hồ Chí Minh. Thị xã Thuận An được thành lập vào ngày 13 tháng 1 năm 2011, hiện được xếp là đô thị loại III theo tiêu chuẩn đô thị tại Việt Nam[1].Thuận An là thị xã có quy mô dân số lớn nhất Việt Nam.
Vị trí địa lý
Thị xã Thuận An nằm ở phía Nam của tỉnh Bình Dương[2]:
- Phía Đông giáp thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
- Phía Bắc giáp thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
- Phía Tây giáp quận 12 và huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
- Phía Nam giáp quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Hành chính
Thị xã Thuận An có 10 đơn vị hành chính trong đó bao gồm 9 phường: An Phú, An Thạnh, Bình Chuẩn, Bình Hòa, Bình Nhâm, Hưng Định, Lái Thiêu, Thuận Giao, Vĩnh Phú và 1 xã An Sơn. Trong đó 2 phường Lái Thiêu và An Thạnh được xem là 2 trung tâm dân cư và thương mại lâu đời nhất tại Thuận An từ đời vua Minh Mạng.
Lịch sử
Năm 1926, thực dân Pháp thành lập quận Lái Thiêu thuộc tỉnh Thủ Dầu Một.
Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia tỉnh Thủ Dầu Một thành 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long. Quận Lái Thiêu thuộc tỉnh Bình Dương, gồm 1 tổng Bình Chánh với 11 xã: Tân Thới, Phú Long, Vĩnh Phú, Bình Nhâm, Bình Hoà, An Phú, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn, Thuận Giao, Bình Chuẩn; quận lị đặt tại xã Tân Thới.
Về phía chính quyền cách mạng, huyện Lái Thiêu vẫn thuộc tỉnh Thủ Dầu Một cho đến năm 1975 (tỉnh Thủ Dầu Một lúc này có địa giới gần tương ứng với tỉnh Bình Dương của chính quyền Việt Nam Cộng hòa).
Từ năm 1976, tỉnh Thủ Dầu Một hợp nhất với tỉnh Bình Phước (Bình Long và Phước Long) và 3 xã An Bình, Bình An, Đông Hòa thuộc huyện Thủ Đức thành tỉnh Sông Bé. Lúc này huyện Lái Thiêu thuộc tỉnh Sông Bé.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 55-CP hợp nhất huyện Lái Thiêu với huyện Dĩ An thành huyện Thuận An thuộc tỉnh Sông Bé[3].
Khi hợp nhất, huyện Thuận An có 14 xã: An Bình, An Phú, An Sơn, An Thạnh, Bình An, Bình Chuẩn, Bình Hòa, Đông Hòa, Hưng Định, Lái Thiêu, Tân Bình, Tân Đông Hiệp, Thuận Giao, Vĩnh Phú.
Ngày 29 tháng 8 năm 1994, chuyển xã An Bình thành thị trấn Dĩ An; chuyển xã An Thạnh thành thị trấn An Thạnh; chia xã Lái Thiêu thành thị trấn Lái Thiêu và xã Bình Nhâm.
Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Sông Bé tách thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước, huyện Thuận An trực thuộc tỉnh Bình Dương.
Đến cuối năm 1998, huyện Thuận An có 3 thị trấn: Lái Thiêu (huyện lị), An Thạnh, Dĩ An và 12 xã: An Phú, An Sơn, Bình An, Bình Chuẩn, Bình Hòa, Bình Nhâm, Đông Hòa, Hưng Định, Tân Bình, Tân Đông Hiệp, Thuận Giao, Vĩnh Phú.
Ngày 23 tháng 7 năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/1999/NĐ-CP, chia tách huyện Thuận An thành huyện Thuận An và huyện Dĩ An. Huyện Thuận An với 10 đơn vị hành chính gồm 8 xã: Vĩnh Phú, Bình Hòa, Thuận Giao, Bình Chuẩn, An Phú, Bình Nhâm, Hưng Định, An Sơn và 2 thị trấn: Lái Thiêu, An Thạnh, 56 khu phố (ấp), với dân số 108.505 người. Địa giới huyện Thuận An lúc này trùng với huyện Lái Thiêu trước đây.
Ngày 13 tháng 1 năm 2011, theo Nghị quyết số 04/NQ-CP của Chính phủ, thị xã Thuận An được thành lập với diện tích tự nhiên 84,26 km², dân số 382.034 người. Đồng thời chuyển 2 thị trấn Lái Thiêu, An Thạnh và 5 xã Vĩnh Phú, Bình Hòa, Thuận Giao, An Phú, Bình Chuẩn thành 7 phường có tên tương ứng. Thị xã Thuận An gồm 7 phường và 3 xã.
Ngày 29 tháng 12 năm 2013, Theo Nghị quyết số 136/NQ-CP của Chính phủ, chuyển 2 xã Bình Nhâm và Hưng Định thành 2 phường có tên tương ứng[4]. Thị xã Thuận An gồm 9 phường và 1 xã.
Ngày 27 tháng 4 năm 2017, thị xã Thuận An được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Dương.
Kinh tế
GDP tăng bình quân của Thuận An đạt khoảng 18,5%/năm. Lĩnh vực kinh tế chuyển biến tích cực theo cơ cấu công nghiệp, dịch vụ- thương mại, nông nghiệp năm 2011, tỷ lệ công nghiệp 73,35%, dịch vụ 26,29% và nông lâm nghiệp 0,36%[2].
Toàn thị xã hiện có 03 khu công nghiệp và 02 cụm công nghiệp tập trung, thu hút 2.368 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, số doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 400 doanh nghiệp.
Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn thị xã Thuận An:
- Khu công nghiệp: VSIP 1 (Việt Nam - Singapore 1), Việt Hương, Đồng An.
Hiện nay, trên địa bàn thị xã Thuận An đã và đang hình thành một số khu đô thị mới như khu đô thị An Phú Hưng, khu đô thị An Thạnh, khu đô thị Eco Xuân Lái Thiêu, khu đô thị The Seasons Lái Thiêu, khu đô thị Vĩnh Phú I...
Những năm qua, do tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại TX.Thuận An diễn ra nhanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hoàn thiện đã góp phần thu hút nhiều DN đến đầu tư, thành lập mới và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các DN trên địa bàn thích nghi tốt với cơ chế thị trường, nhanh nhạy trong điều hành sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, linh hoạt tiếp cận các nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Năm 2017, ước giá trị sản xuất công nghiệp của TX.Thuận An thực hiện là 195.614 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ và đạt 100% so với Nghị quyết HĐND thị xã. Các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã cơ bản đã lấp kín diện tích. GTSX của các DN trong nước ước đạt 60.180 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm trước. GTSX tăng mạnh ở các ngành như chế biến thực phẩm và đồ uống, giày dép, may mặc, sản phẩm từ kim loại... Trong cơ cấu GTSX DN trong nước trên địa bàn có 9 ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số 27 ngành đang hoạt động, như: Công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm 19%, công nghiệp sản xuất đồ uống 12%, công nghiệp sản xuất hàng mộc 14%, công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ kim loại 13,4%...
Năm 2018, TX.Thuận An phấn đấu GTSX công nghiệp đạt 213.219 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2017. Thị xã ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và các ngành công nghiệp hỗ trợ như sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, chế tạo máy; phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh, có lợi thế so sánh ở địa phương theo quy hoạch đã được phê duyệt...
TX.Thuận An hiện có khoảng 30.000 hộ hoạt động kinh doanh thương mại - dịch vụ, 5 siêu thị, 7 trung tâm thương mại (trong đó có 3 trung tâm thương mại quy mô lớn là AEON, Minh Sáng Plaza và Lotte Mart), 24 chợ theo quy hoạch hoạt động ổn định.
Năm 2018, TX.Thuận An phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 53.874 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2017. Thị xã tiếp tục khuyến khích, mời gọi các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Trong đó, thị xã chú trọng phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, có hàm lượng trí thức, công nghệ và giá trị tăng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thị xã.
Chú thích
- ↑ Bình Dương đề nghị 2 thị xã là đô thị loại III
- ↑ 2,0 2,1 Giới thiệu về Thị xã Thuận An, Cổng thông tin điện tử Thuận An.
- ↑ Quyết định 55-CP năm 1977, Chính phủ Việt Nam.
- ↑ http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=509&_page=1&mode=detail&document_id=171561
Tham khảo
Template:Đơn vị hành chính thuộc thị xã Thuận An Template:Các huyện thị Bình Dương Template:Các thị xã của Việt Nam
Thể loại:Thuận An, Bình Dương Thể loại:Bình Dương Thể loại:Đô thị Việt Nam loại III