Trảng Bàng
Template:Wikify Template:Thông tin đơn vị hành chính Việt Nam Trảng Bàng là huyện nằm ở phía Đông Nam tỉnh Tây Ninh.
Contents
Từ nguyên
Nếu theo từ nguyên thì "trảng" là vùng đất thưa cây cối thân gỗ chỉ có cây thân thảo mới mọc được vì nó là vùng trũng lại ngập nước[1] và bàng là loài cây thân thảo dùng trong việc đương đệm có nhiều ở cái trảng này cho nên người dân trong vùng quen gọi là Trảng Bàng, người Việt khi đến vùng này thấy địa hình như vậy mà đặt tên.
Địa lý
Diện tích của huyện là 334,61 km².
Vị trí địa lý
- Phía Đông và Đông Nam giáp huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.
- Phía Tây giáp vương quốc Campuchia; Tây Bắc giáp các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Bến Cầu.
- Phía Nam giáp huyện Đức Hòa; Tây Nam giáp huyện Đức Huệ, cùng thuộc tỉnh Long An.
- Phía Bắc giáp huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Điều kiện tự nhiên
Về thổ nhưỡng, huyện có 3 nhóm đất chính. Đất xám chiếm 76,6%, đất phù sa chiếm 2,6%, đất phèn chiếm 20,1%. Khí hậu nóng ẩm quanh năm rất phù hợp với nhiều loại cây trồng.
Về sông ngòi: huyện có 2 sông lớn chảy qua: sông Vàm Cỏ Đông chảy trong phạm vi huyện dài 11,25 km, lưu lượng mùa lũ 40m3/giây, lúc kiệt nước 13m3/s. Sông Sài Gòn chảy qua trong phạm vi huyện dài 23,25 km, lưu lượng bình quân 59m3/s. Các phụ lưu của 2 sông này chảy qua huyện như: rạch Gò Suối, rạch Trà Cao, rạch Trảng Bàng, rạch Môn, rạch Cầu Trường Chùa, rất thuận lợi cho thuyền, ghe đi lại quanh năm.
Nước ngầm ở Trảng Bàng khá phong phú, tập trung ở các xã phía Đông. Riêng các xã phía Tây việc khai thác nước ngầm bằng đào giếng còn gặp nhiều khó khăn vì đất nhiễm phèn và dễ sụp lở. Ngày nay, hệ thống giao thông này phục vụ cho sự đi lại và giao lưu hàng hoá của nhân dân trong huyện với các địa phương khác. Hệ thống kênh tưới, kênh tiêu của huyện đang được hoàn thiện.
Du lịch và đặc sản
Món ăn nổi tiếng ở đây là bánh canh Trảng Bàng và bánh tráng Trảng Bàng được khá nhiều du khách thập phương yêu thích. Đặc biệt là món bánh tráng phơi sương. Trước khi ăn, vào buổi tối, khi nhìn thấy những chậu kiểng ươn ướt man mát hơi sương, người ta đem các vỉ bánh ra phơi độ một, hai phút để hơi sương thấm vào bánh, làm cho bánh có độ dẻo vừa đủ mà không ướt, nát. Bánh tráng phơi sương thường được phục vụ cùng với thịt luộc và rau sống (dùng bánh tráng để cuốn thịt và rau, do đó bánh cần có độ dẻo), chấm nước mắm tỏi ớt.
Hành chính
Huyện gồm 1 thị trấn Trảng Bàng và 10 xã: An Hòa, An Tịnh, Bình Thạnh, Đôn Thuận, Gia Bình, Gia Lộc, Hưng Thuận, Lộc Hưng, Phước Chỉ, Phước Lưu.
Lịch sử
Dưới triều Nguyễn, phủ Tây Ninh thuộc tỉnh Gia Định, có 2 huyện Tân Ninh và Quang Hóa. Đất Trảng Bàng ngày nay thuộc huyện Quang Hoá, cùng với đất các tổng Mộc Hóa (giáp bờ đông sông Vàm Cỏ Tây), Giải Hóa (giáp bờ tây sông Vàm Cỏ Đông), tổng Hàm Ninh Hạ, tổng Mỹ Ninh.
Năm 1867, Nam Kỳ Lục tỉnh chia thành 24 khu thanh tra (sau gọi là tham biện). Khu thanh tra Quang Hoá có châu thành (tức thủ phủ) đặt tại Trảng Bàng, thuộc tổng Hàm Ninh Hạ (nay là thị trấn Trảng Bàng), nên còn được gọi là khu thanh tra Trảng Bàng (inspection de Trảng Bàng)[2]. Từ đây Trảng Bàng là tên gọi đơn vị hành chính cho đến ngày nay.
Từ tháng 6 năm 1869 đến tháng 7 năm 1870, các thống đốc Nam Kỳ và quốc vương Campuchia Norodom I, tiến hành thương lượng đi đến hiệp định điều chỉnh biên giới giữa Nam Kỳ thuộc Pháp và Cao Miên (Pháp bảo hộ). Một vùng rộng lớn gọi là Svay Teap (Xoài Tiếp) nằm giữa hai sông Vàm Cỏ, vốn là đất thuộc Hạt thanh tra Trảng Bàng, thời đó là vùng rừng Quang Hóa xen lẫn các làng người Khmer, được cắt trả về cho Campuchia (vùng này ngày nay gọi là "Mỏ vịt" thuộc tỉnh Svay Rieng).
Năm 1872, hạt Tây Ninh chia thành 2 quận: Thái Bình (huyện Tân Ninh cũ) và Trảng Bàng (Quang Hóa cũ).
Năm 1957, quận Trảng Bàng có 1 tổng Hàm Ninh Hạ, quận lỵ đặt tại xã Gia Lộc.
Năm 1961, chính quyền Sài Gòn đổi tên quận Trảng Bàng thành quận Phú Đức. Năm 1963, quận Phú Đức được giao về tỉnh Hậu Nghĩa và đổi lại tên cũ là Trảng Bàng.
Về phía chính quyền cách mạng, đầu năm 1955, một phần đất phía Bắc huyện Trảng Bàng được tách ra thành lập huyện Gò Dầu. Năm 1960, Gò Dầu lại nhập vào huyện Trảng Bàng nhưng đến cuối năm 1961 lại tách ra. Năm 1967, huyện Trảng Bàng thuộc đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Đến 1972, Trảng Bàng lại được trả về Tây Ninh.
Sau năm 1975, huyện Trảng Bàng có thị trấn Trảng Bàng và 9 xã: An Hòa, An Tịnh, Bình Thạnh, Đôn Thuận, Gia Bình, Gia Lộc, Lộc Hưng, Phước Chỉ, Phước Lưu.
Ngày 12 tháng 1 năm 2004, thành lập xã Hưng Thuận trên cơ sở 1.681 ha diện tích tự nhiên và 2.636 nhân khẩu của xã Lộc Hưng, 2.606 ha diện tích tự nhiên và 6.281 nhân khẩu của xã Đôn Thuận, ghép từ tên của hai xã này.
Phát triển đô thị
Ngày 21 tháng 4 năm 2016, khu vực thị trấn Trảng Bàng mở rộng được công nhận là đô thị loại IV.
Ngày 28 tháng 12 năm 2018, toàn bộ huyện Trảng Bàng (gồm thị trấn Trảng Bàng và 10 xã) được công nhận là đô thị loại IV.
Dự kiến đến năm 2020, huyện Trảng Bàng sẽ được nâng cấp thành thị xã Trảng Bàng, gồm 8 phường: An Hòa, An Tịnh, Đôn Thuận, Gia Bình, Gia Lộc, Hưng Thuận, Lộc Hưng, Trảng Bàng và 3 xã: Bình Thạnh, Phước Chỉ, Phước Lưu.
Di tích lịch sử
- Tha La xóm đạo. Đây là vùng đồng bào Thiên Chúa giáo chiếm tỉ lệ dân số lớn. Ngày nay thuộc xã An Hòa huyện Trảng Bàng. Vùng Tha La xóm đạo có nhà thờ Thiên Chúa giáo nổi tiếng, có những nghề truyền thống mỹ nghệ từ tre, tầm vông, nghề rèn, xay xát. Cùng với Đình An Hòa, nhà thờ Tha La là công trình kiến trúc cổ, tiêu biểu của Trảng Bàng.
- Đình An Hoà.
- Di tích lịch sử Rừng Rong.
- Địa đạo An Thới.
- Đình An Tịnh. Hiện nay nằm ở ấp An Thành, phía Nam của xã. Đình là kiến trúc đặc trưng của Đình làng Nam bộ. Hiện nay, lễ cúng kỳ yên đình làng An Tịnh được tiến hành hàng năm. Sân đình rộng lớn theo đúng nguyên mẫu làng quê Nam bộ.
- Tháp cổ Bình Thạnh.
- Đình Gia Bình
- Di tích lịch sử Bời Lời
- "Miếu Ông Cả" Trước. Nằm ở Trung tâm thị trấn Trảng Bàng. Ngày xưa, miếu nằm giữa chợ Trảng Bàng. Sau khi chợ di dời lên nơi mới, khu vực được giải tỏa nhưng miếu giữ nguyên. Kiến trúc đẹp, đậm chất Á Đông. Tương truyền "Miếu Ông Cả" rất linh thiêng. Hàng năm con dân làng An Tịnh xưa khắp nơi trở về cúng viếng.Ngày Giổ "Ông Cả" là ngày 06 tháng 03 âm lịch hằng năm tại miếu này.
- Tổ Đình Phước Lưu (hay Chùa Phước Lưu- Trảng Bàng) tọa lạc tại số 259 thị trấn Trảng Bàng là một trong những ngôi già lam cổ tự còn sót lại trong vùng đất Tây Ninh ngày nay và mang một nét kiến trúc của chùa Nam Bộ xưa đã có hơn 200 năm từ những năm 1800 cho đến nay. Ngoài ra chùa còn có những pho tượng quý giá hàng trăm năm, những bao lam hoành phi câu đối, liễn cũng còn giữ được nét văn hóa truyền thống của vùng Nam Bộ. Chùa đã trải qua 7 đời trụ trì và trụ trì đời thứ 7 hiện nay đang trong coi và kế thừa phát huy kế nghiệp thầy tổ đó là Hòa Thượng Thượng Thiện Hạ Chánh (hay còn gọi là đại sư Thiện Chánh) thuộc dòng Lâm Tế. Ngày nay chùa đã được Văn phòng BTS GHPG Tỉnh Tây Ninh đặt làm văn phòng BTS GHPG Huyện Trảng Bàng. Chùa cũng được xếp vào 108 ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng của Việt Nam và đã được xếp vào di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cũng Bộ VH-DL-TT xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2016. Tổ đình Phước Lưu là một trong những di sản văn hóa- lịch sử - kiến trúc đặc sắc, quý giá của xứ Tây Ninh và cả Miền Nam.
- Đình Gia Lộc tọa lạc tại khu phố Lộc Thành, thị trấn Trảng Bàng là nơi thờ thần hoàng bổn cảnh của cả vùng Trảng Bàng và Gia Lộc xưa đó là ông Đặng Văn Trước hay gọi là ông Cả Trước tên thật là Đặng Úy Dừa. Ông là người từ vùng Bình Định vào khai khẩn đất và lập làng xóm rồi chỉ dạy cho dân trong vùng trồng trọt. Sau khi ông mất thì dân trong vùng vì yêu quý và cả nể ông nên đã cho lập lên ngôi đình để thờ ông và hàng năm cứ vào ngày 14-15-16 là lễ cúng kỳ yên và ba năm đáo lệ cúng trọng thể để tưởng nhớ người đã khai sinh ra vùng đất này. Đình cũng đã từng được 2 lần triều Nguyễn sắc phong và sắc phong cuối cùng là thời Vua Bảo Đại năm 1933. Đình đã được Bộ VH-DL-TT xếp hạng di tích cấp quốc gia cùng với lễ cúng kỳ yên được xếp hạng lễ hội văn hóa phi vật thể quốc gia.
- Chùa Phước Lâm
- Tịnh xá Ngọc Trản
Kinh tế - xã hội
Giao thông Huyện nằm trên tuyến quốc lộ 22 nối Thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia.
Các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Trảng Bàng:
- khu công nghiệp Trảng Bàng
- khu công nghiệp Thành Thành Công
- khu công nghiệp Phước Đông Bời Lời
- khu chế xuất Linh Trung III
Các nghề thủ công truyền thống:
- Xóm Bánh tráng: Ở ấp Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng, có rất nhiều nhà làm bánh tráng chuyên nghiệp, còn được gọi là "xóm bánh tráng". Nguồn nguyên liệu làm bánh tráng phơi sương chỉ là bột gạo nhưng phải là bột gạo tẻ đặc biệt. Để làm ra bánh tráng phơi sương người ta phải qua nhiều công đoạn khá công phu và cầu kỳ. Đầu tiên là đem gạo đi vo sạch. Sau đó, phải xay gạo thành bột nước, hoà muối vừa độ, rồi tráng mỏng trên hơi nước sôi và phải tráng làm hai lớp. Bánh chín trải ra vỉ tre phơi, chỉ một ngày nắng tốt là được. Công đoạn tiếp theo là nướng bánh. Lò nướng giống như chiếc nồi Cà om to chứa vỏ đâu phọng riu riu cháy ở bên trong. Bánh tráng nướng nở xốp đều nhưng vẫn giữ nguyên màu giấy trắng… Nướng xong, người ta đem bánh tráng phơi sương vào khoảng tờ mờ sáng hoặc vào ban đêm, nếu nhiều sương chỉ cần phơi mười lăm phút. Phơi xong, đem bọc kín trong lá chuối tươi để giữ cho bánh được mềm, xốp.
- Xóm đóng ghe: Đặc điểm địa hình của Tây Ninh có nhiều rừng núi, nhưng cũng lắm sông ngòi, kênh rạch nên hoạt động vận chuyển buôn bán trao đổi nông, lâm, ngư, thổ sản từ trước đến nay bằng ghe xuồng trên các tuyến đường thủy đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội ở Tây Ninh. Vì thế mà nghề đóng ghe xuồng ở Tây Ninh đã hình thành và phát triển rất sớm. Có nhiều trại đóng ghe, xuồng ở Tây Ninh phải kể đến các cơ sở ở thị trấn Trảng Bàng, xã An Hoà, xã Phước Chỉ (Trảng Bàng); xã Long Thành Nam (Hoà Thành); xã Cẩm Giang (Gò Dầu)Nguồn nguyên liệu để đóng ghe xuồng trước đây được khai thác tại chỗ, với nhiều loại gỗ tốt như gỗ sao, vên vên, căm xe, dầu, trắc …Hiện nay, việc khai thác rừng đã hạn chế, các nguồn nguyên liệu gỗ được bổ sung từ các tỉnh và có cả ở Campuchia. Các loại ghe, xuồng ở Tây Ninh ngày nay được chế tạo chủ yếu từ các loại gỗ có đặc tính chắc, bền, nhẹ nổi trên nước và ít hư hỏng do tác động của môi trường sông nước. Cư dân Tây Ninh có gốc người tứ xứ… nên ghe xuồng ở Tây Ninh có nhiều kiểu dáng, phản ánh đặc điểm văn hoá nhiều tộc người Việt, Hoa, Chăm, Khơme), nhiều địa phương. Nhìn chung, có các loại ghe như: ghe ô, ghe lê dành cho quan lại; ghe tam bản, ghe tam bản mũi chài, ghe chài, ghe tải...Trong vài chục năm gần đây ghe xuồng truyền thống Tây Ninh có xu hướng hiện đại hoá, cải tiến chiếc ghe sao cho phù hợp với điều kiện chuyên chở, đi lại, buôn bán trên sông nước. Ghe xuồng chèo tay thành ghe, xuồng gắn các động cơ, khiến việc di chuyển được thuận lợi nhanh chóng hơn trước. Đây cũng là bước phát triển mới của nghề đóng ghe xuồng ở Tây Ninh.
- Xóm chằm nón lá: Nghề chằm nón lá ở Tây Ninh đã xuất hiện tương đối khá lâu đời. Ngày nay, có nhiều nơi sản xuất nón lá được gọi là "xóm nón lá" như ở ấp An Phú, An Hòa (Trảng Bàng), làng nón lá Ninh Sơn ở Thành phố Tây Ninh. Họ làm được tất cả các loại nón: nón Bài Thơ (Huế), nón Bình Định, nón thêu, nón dày, nón thưa, vốn rất nổi tiếng ở miền Trung nhưng ở Tây Ninh không dễ kiếm lá buôn, dây thao, nguyên liệu làm nón Bài Thơ, ngược lại nguồn trúc và lá mật cật lại rất dễ tìm. Người dân Tây Ninh chọn loại lá mật cật là nguyên liệu chính để làm nón. Đây là loại nón thông dụng dành cho người lao động và được sản xuất đại trà để bán hàng gọi là "nón hàng", loại nón này khi gặp mưa vẫn thẳng, không bị dúm lại như các loại nón khác. Muốn làm nón phải có cái khung chằm hình chóp có kích thước bằng chiếc nón lá. Nón làm bằng lá mật cật luộc chín, phơi khô và vuốt thẳng. Người ta xếp từng lá chồng dọc theo khuôn để chằm. Vừa chằm vừa gác các nan tre được chuốt nhỏ, đều và trùm lên khuôn để làm sườn nón lá. Lá mật cật dược kết dính đều đặn tỉ mỉ, khéo léo với vòng nan tre bằng chỉ trong suốt. Hầu hết các phụ nữ ở Ninh Sơn, cũng như ở An Phú, An Hoà đều biết chằm nón từ lúc còn rất nhỏ 5- 6 tuổi. Nón hàng làm nhanh hơn nón dày giá cả nón dày, đắt hơn nón hàng. Nghề chằm nón không giàu nhưng đây là số tiền kiếm được khi bà con tận dụng được thời gian nhàn rỗi của mình và giúp cho những người không có sức khoẻ để làm những việc nặng nhọc có việc làm ổn định. Nón lá vốn là thành phần quan trọng trong trang phục của phụ nữ vùng nông thôn, là nét độc đáo riêng. Dẫu rằng ngày nay phụ nữ có xu hướng theo Âu hoá, nhưng hễ còn người dân ra đồng là còn cần chiếc nón lá.
Tham khảo
Template:Các huyện thị Tây Ninh Template:Danh sách xã, thị trấn thuộc huyện Trảng Bàng Template:Sơ khai Hành chính Việt Nam
Thể loại:Huyện Tây Ninh Thể loại:Huyện biên giới Việt Nam với Campuchia